Tham gia phát biểu ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt cho biết, Dự thảo Luật quy định “Trưởng Công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1, điều này”, nghĩa là cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ này là Đại tá.
ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Theo đại biểu, tờ trình của Chính phủ chỉ đặt vấn đề cấp bậc hàm Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an thành phố trực thuộc hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do đó, nếu quy định chung là Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1 điều này thì tất cả các Trưởng Công an thành phố trực thuộc 05 thành phố trực thuộc trung ương và sau này có thể sẽ có thêm các thành phố trực thuộc trung ương khác sẽ được hưởng cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, như vậy là không phù hợp. Đại biểu đề nghị sửa đổi, quy định cụ thể như sau: “Trưởng Công an thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1, điều này”.
Về lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ, Dự thảo Luật quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục phụ cao nhất là “mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam quy định tại các điểm a, e, g khoản này và 04 tháng đối với nữ quy định tại các điểm a, đ, e khoản này. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành”. ĐBQH Quàng Thị Nguyệt đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo giải thích rõ các trường hợp được tăng ngay hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành (từ 01/9/2023) mà không theo lộ trình của Bộ Luật Lao động, quy định như vậy có đảm bảo tính công bằng, bình đẳng không?
Tin, ảnh: Mai Hồng