ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tại phiên thảo luận ngày 29.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV
Tham gia phát biểu ý kiến, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông và thực tế ở địa phương, hiện tại nhiều địa phương đang hết một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Theo tính toán thì đến tháng 7 năm 2023 các địa phương trên toàn quốc sẽ không còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ. Như vậy nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh mà chúng ta đã kiểm soát và khống chế được là hiện hữu, kết quả to lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng của hơn 40 năm qua có thể bị phá vỡ”, ĐBQH Lò Thị Luyến bày tỏ.
Nguyên nhân thiếu vắc xin là do vướng mắc về mua sắm vắc xin. Giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, kinh phí mua vắc xin tiêm chủng mở rộng được bố trí từ ngân sách trung ương trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đến năm 2020 hết giai đoạn thực hiện, chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Ngày 3/4/2023, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1810/BYT-KH-TC, theo đó từ năm 2023 các địa phương sẽ bố trí ngân sách và tự triển khai đấu thầu, mua sắm, cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng.
Đại biểu thông tin, nhận được văn bản này, hầu hết các địa phương ngay lập tức có ý kiến phản hồi về Bộ Y tế và Chính phủ những vướng mắc, cơ sở pháp lý, ví dụ: vắc xin thuộc danh mục đấu thầu cấp quốc gia, kinh phí bồi thường cho người bị thiệt hại khi tham gia tiêm chủng... Bên cạnh đó là những khó khăn từ thực tiễn như: sẽ có nhiều loại vắc xin khác nhau giữa các địa phương, người dân khó tiếp cận kịp thời cùng một loại vắc xin đối với những loại vắc xin phải tiêm mũi nhắc lại khi họ có thay đổi về địa điểm cư trú; tình trạng thừa thiếu vắc xin cục bộ, Bộ Y tế khó đảm bảo việc cân đối và điều phối nguồn cung ứng vắc xin khi dịch xảy ra cục bộ hoặc xảy ra diện rộng (các địa phương sẽ phải tự lo, đi vay vắc xin của nhau?); các địa phương không có kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vắc xin (vì chưa được đầu tư) mà chỉ có dây truyền bảo quản lạnh tạm thời khi mang vắc xin từ kho của Trung ương về để thực hiện kế hoạch tiêm chủng trên địa bàn, hoặc nếu xảy ra sự cố mất điện không khắc phục được nhanh thì chất lượng vắc xin sẽ bị ảnh hưởng…Vậy các địa phương cần được bố trí vốn để đầu tư hệ thống kho lạnh, máy nổ công suất lớn để khắc phục sự cố mất điện, trong khi hệ thống kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vắc xin đã được đầu tư ở các đơn vị thuộc tuyến Trung ương sẽ không được sử dụng. Đây quả là một lãng phí rất lớn về tiền của mà chúng ta đã và sẽ phải bỏ ra.
“Từ trước đến nay nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo việc mua sắm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế tổ chức mua sắm và cung ứng cho địa phương không có vướng mắc gì và cũng không có tình trạng thiếu vắc xin như hiện nay. Bây giờ chỉ vì cơ chế bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia đã hết, phải chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên và đều là ngân sách nhà nước đảm bảo nhưng do vướng mắc cơ chế mà để dẫn đến tình trạng này là điều rất đáng buồn”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu ý kiến.
Dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề đã quy định, tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, điều này thể hiện tầm quan trọng và sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đến vấn đề này. Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương và giao Bộ Y tế mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương như trước đây và bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện
Về mô hình quản lý Trung tâm y tế cấp huyện, đại biểu đề nghị không giao Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, mà giữ nguyên như hiện nay, giao Sở Y tế quản lý là phù hợp ./.
Tin, ảnh: Mai Hồng