Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, qua báo cáo của nhà trường, Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Lê Quý Đôn đã thực hiện tốt công tác truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và nhân dân. Chú trọng biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong triển khai, tổ chức thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên được lựa chọn dạy lớp 10 có trình độ chuyên môn vững vàng; có ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá đáp ứng tốt cho việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Tính đến tháng 12/2022 nhà trường đã dự giờ được 78 tiết của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho công tác dạy và học; cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng chí Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với BGH và giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Giám sát tại Trường THPT Lương Thế Vinh, năm học 2022 – 2023, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được trường THPT Lương Thế Vinh triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục. Theo đó, nhà trường đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ bản đã xây dựng xong chương trình điều chỉnh theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 6 trong năm học 2021 – 2022, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 – 2023. Bên cạnh đó, nhà trường đã bố trí đầy đủ số lượng giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có khả năng tiếp cận chương trình, phương pháp dạy học theo sách giáo khoa mới để dạy đủ các môn cho khối lớp 6, lớp 7 và lớp 10 theo quy định; chủ động tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học với 21 phòng học, 6 phòng chức năng, có đầy đủ hệ thống máy chiếu, mạng LAN đáp ứng được yêu cầu dạy học theo sách giáo khoa mới.
Tại các buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát cùng cán bộ, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Lương Thế Vinh đã tập trung trao đổi về một số thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, như: Những vướng mắc trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa; việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; một số nội dung chưa hợp lý gây lúng túng cho cả học sinh và giáo viên trong quá trình dạy và học; nhiều trang thiết bị cho một số môn học còn thiếu, khiến cho việc thực hành của học sinh không sát với thực tế.
Đồng chí Hoàng Văn Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh trao đổi một số nội dung tại buổi làm việc với Đoàn giám sát
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ với những khó khăn của Trường trong việc tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, đề nghị nhà trường cần khắc phục những tồn tại, hạn chế và có hướng khắc phục trong thời gian sớm nhất để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đối với những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhà trường, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu và tổng hợp chuyển tới các cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Trịnh Hà