Tin tức & sự kiện  

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành tiêu chí mới phù hợp khi sáp nhập các trường

Cập nhật ngày 01/12/2022 22:48:11 PM - Lượt xem: 256

Sáng 01/12, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về tình hình thực hiện một số chính sách giáo dục đào tạo trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia đoàn khảo sát.


Đoàn khảo sát đã nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ tại các cơ sở giáo dục tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi”; tình hình triển khai, kết quả thực hiện các giải pháp tiếp cận giáo dục công bằng của trẻ em gái người dân tộc thiểu số trong các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc tiếp cận và kỹ năng của trẻ em dân tộc thiểu số sử dụng công nghệ số trong học tập; tác động của đại dịch Covid-19 đối với học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT; việc học sinh nghỉ học đi lao động tự do trái phép qua biên giới trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn khảo sát

phát biểu chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến liên quan đến nội dung khảo sát được trao đổi, giải trình, làm rõ. Căn cứ vào thực tiễn triển khai các chính sách giáo dục đào tạo trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Điện Biên đã kiến nghị với Đoàn khảo sát một số chính sách đối với học sinh và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục như: có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ như trẻ mẫu giáo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ; nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú từ 40% lên 60% mức lương cơ sở và học sinh nội trú từ 80% lên 100% mức lương cơ sở; kéo dài thời gian được hưởng chính sách miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn mới được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ, điểm bản bằng 50% mức lương cơ sở; có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên công tác tại các trường phổ thông có học sinh bán trú như trường phổ thông dân tộc bán trú; không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW đối với các tỉnh mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên. Bổ sung số lượng người làm việc đủ theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ban hành Nghị định thực hiện Luật Giáo dục 2019, trong đó có nội dung chuyển trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm dạy nghề cấp huyện về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; sớm ban hành Luật Nhà giáo...

Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Đoàn khảo sát kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo sớm ban hành các tiêu chí mới phù hợp khi sáp nhập các trường, đảm bảo các chế độ cho học sinh, giáo viên cũng như chế độ đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường. Thực tế vừa qua trên địa bàn tỉnh, một số trường cấp 1, cấp 2, sau khi sáp nhập không đạt tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành lập trường bán trú. Tiêu chí với trường tiểu học là 25 % học sinh bán trú, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông là 50 %. Khi sáp nhập, có trường đạt tiêu chí học sinh bán trú tiểu học nhưng lại không đạt tiêu chí học sinh bán trú trung học cơ sở hoặc ngược lại dẫn đến cả học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở cũng như giáo viên không được hưởng chế độ, nhà trường cũng không được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa trường, lớp học, trang thiết bị; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn mới được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng cho học sinh và vấn đề điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 6 tuổi khi được tham gia thảo luận về các nội dung này./.

 Mai Hồng

 

 

 


Tin liên quan
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật phòng thủ dân sự tại Huyện Mường Nhé
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XV tại huyện Nậm Pồ
Cán bộ và nhân dân xã Pa Thơm đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra
Thường trực HĐND tỉnh họp đánh giá rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 9, thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XV
Thường trực HĐND huyện Tủa Chùa tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND huyện
Tổ Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh tại các xã huyện Mường Ảng
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ
Cử tri xã Chiềng Đông: đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm sớm lắp đặt hệ thống biển báo tín hiệu, gờ giảm tốc khu vực xã Chiềng Đông thuộc tuyến Quốc lộ 279
Cử tri Mường Khong đề nghị: huyện chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường từ Co Đứa đến trung tâm xã Mường Khong
Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa