Là huyện miền núi, biên giới, được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới, đặc biệt là Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và các chương trình hồ trợ giảm nghèo khác, nhưng đến nay Mường Nhé vẫn là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 69,34%.
Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Nhé đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện và đạt được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, việc thành lập Ban Chỉ đạo, Quy chế hoạch động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện còn chậm; vẫn còn có những chính sách hỗ trợ chậm hoặc chưa thực hiện được; chưa tạo được những mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững; việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết của Quốc hội là khó thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng dân di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé lớn (đều là hộ nghèo); trình độ, năng lực của cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chưa thường xuyên; một bộ phân nhân dân còn muốn thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, chưa muốn thoát nghèo; một số chính sách hỗ trợ còn chồng chéo, chưa thực sự phù hợp, cùng một nội dung hỗ trợ nhưng các chương trình, dự án lại có mức hỗ trợ khác nhau…
Trước đó, Đoàn giám sát đã thăm một số mô hình hỗ trợ trâu giống, trồng cây sa nhân và làm việc với lãnh đạo xã Chung Chải về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững.
Hoa Huyền