Toàn cảnh Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Mường Nhé
Theo báo cáo, huyện Mường Nhé có 152.380 ha đất rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó 75.700 ha đất lâm nghiệp có rừng và trên 76.600 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Thực hiện Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh, huyện Mường Nhé đã giao trên 70.500 ha đất lâm nghiệp có rừng, đạt 93% kế hoạch. Đến nay, huyện đã bàn giao trên 12.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; 63.799,7 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng (chiếm 100%) chưa được giao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 87 chủ rừng là cộng đồng thôn, bản và hộ gia đình; tổng dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện: 15.282.100.000 đồng; từ năm 2015 - 2017 đã chi trả DVMTR gần 63 tỷ đồng cho các chủ rừng. Đối với rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tổng diện tích được chi trả tăng từ 31.000 ha năm 2015 lên 33.000 ha năm 2017, trong đó: thực hiện hợp đồng khoán gần 30.000 ha cho 43 nhóm dân cư và diện tích còn lại do Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé quản lý.
Trong triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu huyện Mường Nhé đã đạt được một số kết quả; tuy nhiên UBND huyện chưa xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Đề án để triển khai đến các xã. Quá trình thực hiện Đề án chủ yếu là phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương; Thực hiện lồng ghép các chương trình dự án để thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó có Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Đề án 79, Quyết định 02/QĐ-UBND của tỉnh… thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện như: Mô hình trồng cây cam xã Mường Nhé với tổng diện tích là 17,5 ha; tại một số xã đã tiến hành chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn, dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa…
Tại buổi giám sát, lãnh đạo UBND huyện và một số phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện đã giải trình, làm rõ thêm yêu cầu của các thành viên trong đoàn giám sát về nguyên nhân chưa triển khai thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng; những tồn tại, hạn chế về công tác tuyên truyền công tác giao đất giao rừng, tái cơ cấu nông nghiệp; đánh giá về chuyển dịch cơ cấu lao động, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức nông nghiệp từ huyện đến cơ sở; hiệu quả việc đầu tư các nguồn vốn sự nghiệp đầu tư thực hiện tái cơ cấu nông ghiệp; việc sai lệch số liệu diện tích đất lâm nghiệp có rừng, diện tích rừng đã được giao, chưa giao; danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện cũng như hiệu quả của việc đầu tư máy móc nông nghiệp và các mô hình trồng nấm, trồng cam trên địa bàn…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trọng Khôi đề nghị UBND huyện phối hợp với các Sở, ngành liên quan sớm hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Huyện chỉ đạo các xã thống nhất quy định, quy chế chi tiêu nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng tại các bản; sớm chỉ đạo các phòng ban chuyên môn liên quan lập phương án giải phóng mặt bằng để kịp thời đầu tư cơ sở hạng tầng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé giải quyết dứt điểm vấn đề đất sản xuất của người dân trong khu vực rừng bảo tồn, quản lý bảo vệ diện tích rừng giáp biên giới theo quy định. Đề nghị Công ty cổ phần cao su Mường Nhé giải quyết dứt điểm phần đất thuộc Đề án 79. Đối với việc triển khai, thực hiện đề án tái cấu nông nghiệp, huyện cần phải lập kế hoạch chi tiết, cụ thể giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến chính quyền các xã, người dân trên địa bàn để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.../.
Tin, ảnh: Mạnh Thắng