Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Về các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật như: Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32), cử tri cho rằng, giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh theo phân cấp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai là không khả thi, gây quá tải đối với các cơ quan thanh tra, đề nghị giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai kiểm soát tài sản, thu nhập là phù hợp. Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 41), ngoài công khai tại nơi làm việc cử tri đề nghị cần phải công khai tại nơi cư trú để nhân dân giám sát việc kê khai.Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59), có ý kiến cho rằng cả hai phương án dự thảo Luật đưa ra đều chưa thuyết phục. Ý kiến khác nhất trí xử lý theo phương án 1 là thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân vì cho rằng, đối với tài sản thu nhập của cá nhân, cơ quan chức năng không chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội mà có thì không thể xử phạt vi phạm hành chính được. Có ý kiến cho rằng đủ căn cứ để xử lý theo phương án 2 là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập tăng thêm vì người có tài sản tăng thêm đã vi phạm Luật này đối với hành vi kê khai không trung thực, mặt khác lại không chứng minh được nguồn gốc tài sản. Về xử lý người đưa hối lộ (Điều 110), có ý kiến đề nghị quy định theo hướng, đối với người đưa hối lộ được xác định là do ép buộc thì khi phát giác cần được coi là không có tội, kể cả không chủ động khai báo…
Đối với Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi), đa số cử tri cho rằng việc mở rộng hình thức tố cáo bằng văn bản đó là tố cáo bằng bản fax hoặc thư điện tử là phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, tránh việc tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì cần quy định cụ thể điều kiện để việc tố cáo bằng bản fax, thư điện tử được xem xét thụ lý, giải quyết. Ngoài ra, cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong dự thảo Luật như: thời hạn giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo...
Mai Hồng