Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe UBND tỉnh báo cáo tình hình Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, sử dụng rừng; thống kê, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; công tác đầu tư tài chính cho việc quản lý, bảo vệ rừng, quản lý quỹ bảo vệ phát triển rừng; cơ chế, chính sách trong bảo vệ rừng; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng...
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Điện Biên là 954.124,94 ha; trong đó, tổng diện tích thực hiện kiểm kê rừng là 813.737,26 ha. Cụ thể: Diện tích các trạng thái rừng và đất lâm nghiệp là 776.745,85 ha (diện tích đất có rừng: 330.612,30 ha; diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp: 446.133,55 ha); Diện tích rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp: 36.991,41 ha (rừng tự nhiên: 35.856,99 ha; rừng trồng: 1.000,22 ha; rừng trồng chưa thành rừng: 134,20 ha); Trữ lượng các trạng thái rừng: tổng trữ lượng gỗ: 24.880.033 m3; rừng tre, nứa: 106.460 ngàn cây; Độ che phủ rừng toàn tỉnh là 38,5%. Tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp; các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản ký cam kết bảo vệ rừng; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp được tăng cường; công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng được duy trì, có hiệu quả....
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng còn một số bất cập; tình trạng phá rừng, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật còn diễn biến phức tạp; việc triển khai giao đất, giao rừng chậm; công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ thực hiện được đối với những diện tích đất lâm nghiệp có rừng, còn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa giao được do chưa có nguồn kinh phí; việc tổ chức thu hồi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại một số huyện còn chậm, không đồng bộ với quá trình triển khai dự án; kinh phí hỗ trợ theo dõi diễn biến rừng hàng năm không được bố trí; biên chế của lực lượng kiểm lâm tỉnh còn thiếu so với quy định; mức chi trả dịch vụ trường rừng trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn giữa các lưu vực; Độ che phủ rừng toàn tỉnh thấp....
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Điện Biên cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng; tăng tỷ lệ che phủ rừng; tăng cường các biện pháp phòng cháy rừng; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; giao đất gắn với giao rừng phù hợp với địa hình từng vùng miền, cơ sở để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh để xem xét, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới./.
Nguyễn Dung