Qua giám sát cho thấy kết quả triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của ngành Y tế giai đoạn 2011-2016 đã đạt được một số kết quả cụ thể như: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2016, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, có sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân trên địa bàn được tăng cường, đặc biệt là trong các dịp cao điểm như lễ, tết, tháng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện tốt quy định về công khai thủ tục hành chính, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm; thực hiện tương đối tốt việc quản lý đối với một số thực phẩm như sữa, thực phẩm chức năng, rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai… Từ những kết quả đạt được trong công tác quản lý của ngành Y tế cùng với các cấp, các ngành đã góp phần tạo được những chuyển biến khá tích cực về nhận thức của nhà quản lý cũng như người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng; tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn ít xảy ra, quy mô của các vụ ngộ độc không lớn.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành Y tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ trên địa bàn chưa được chú trọng, chưa có chợ đảm bảo an toàn thực phẩm; còn 16,6% cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm chưa được Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; 31,4% các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể chưa đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Chưa thực hiện xét nghiệm được một số chỉ tiêu như kim loại nặng, dư lượng hóa chất trong thực phẩm, chưa quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm được các sản phẩm nguyên liệu sống như: rau, quả, thịt, cá, trứng… Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chủ yếu chủ yếu qua cảm nhận và qua hợp đồng, hóa đơn chứng từ, bào bì, nhãn hiệu; kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với thực phẩm tươi, sống làm nguyên liệu trong sản xuất, chế biến. Việc phối hợp và phân công, phân cấp trong quản lý về an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành còn chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ, quá trình triển khai, thực hiện còn nhiều lúng túng. Nhận thức của một số cá nhân, tổ chức chế biến, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, thiếu kiến thức về ATTP nên tình trạng vi phạm các quy định về ATTP còn xảy ra.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mùa A Vảng, TUV, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những kết quả ngành đạt được trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của ngành để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành chức năng xem xét giải quyết, tạo cơ chế chính sách phù hợp trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, cũng như tăng cường nguồn lực để thực hiện tốt công tác quản lý về lĩnh vực này./.
Mai Hồng