|
Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã thực hiện tái cơ cấu hoạt động kinh doanh theo Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2011 - 2020. Từ giữa năm 2012, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu ngành ngân hàng, dựa trên nền tảng Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2011 - 2020, các đơn vị đã xây dựng Đề án tái cơ cấu đến năm 2015 với trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị.
Định kỳ hàng quý, hàng năm, các ngân hàng đã tổng kết, đánh giá tiến độ thực hiện tái cơ cấu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân từ năm 2011 – 2013 đạt 26%/năm. Các ngân hàng đã cho 408 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vay với tổng dư nợ gần 4.900 tỷ đồng. An toàn tín dụng, thực trạng nợ xấu năm 2013 là 0,29%/tổng dư nợ; 6 tháng đầu năm 2014 nợ xấu chiếm 1,38%/tổng dư nợ.
Công tác thanh tra, giám sát của các ngân hàng đều tiến hành theo đề cương chương trình của Ngân hàng Trung ương và chỉ đạo trược tiếp của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội. Qua thanh tra, giám sát phát hiện thấy có sai sót đều có kiến nghị với các ngân hàng được thanh tra để chính sửa, khắc phục tồn tại góp phần ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá hiệu quả công tác đầu tư công tại tỉnh trong thời gian qua, trao đổi và làm rõ các nội dung liên quan đến cơ cấu phân bổ vốn, công tác quản lý của chủ đầu tư, vấn đề giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ chế sử dụng nguồn vốn, lĩnh vực đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước…
Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các ngân hàng trong việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đoàn giám sát cũng yêu cầu các ngân hàng đề xuất các giải pháp để tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện nhanh và mang lại hiệu quả thực sự cho bản thân các ngân hàng; góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.