Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 4 chương, 90 điều quy định cụ thể một số nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; HĐND, Thường trực HĐND, các ban, tổ HĐND…
Đại biểu cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung dự thảo và cho rằng đây là vấn đề cần thiết, kịp thời nhằm thể chế hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội. Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Tại các điều 15, 26, 42 quy định về giám sát đối với văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, đa số đại biểu chọn phương án 1 (quy định chung về trình tự, thủ tục xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với văn bản pháp luật có dấu hiệu trái luật, Nghị quyết của Quốc hội theo hướng chỉ 2 chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội xem xét là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước). Về vấn đề chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp quy định tại các điều 16, 27, 60 và 72, phần lớn ý kiến đều cho rằng nên chọn phương án 1. Bởi vì, việc người bị chất vấn trả lời trực tiếp câu hỏi của các đại biểu tại kỳ họp sẽ đảm bảo tính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị nên bỏ khoản 3, điều 9 (Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật). Vì quy định như vậy sẽ dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND của các đại biểu tham dự hội nghị. HĐND tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến trình lên Quốc hội xem xét.
Theo Báo Điện Biên Phủ