Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại 8 điểm của 4/10 huyện, thị xã, thành phố với 850 cử tri tham dự. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri nhất trí với nội dung, chương trình kỳ họp; đồng thời có những ý kiến, kiến nghị với các ngành, cấp ở địa phương và Trung ương liên quan tới các chính sách và pháp luật.
Kiến nghị với Quốc hội, cử tri có ý kiến cho rằng bộ máy Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương còn cồng kềnh. Khi xây dựng, ban hành Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, nên tổ chức đơn vị hành chính phù hợp, quy định số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND hợp lý đảm bảo ổn định lâu dài, hạn chế việc chia tách thành lập mới, làm tăng bộ máy nhà nước dẫn đến tăng về số lượng biên chế trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò, chế độ chính sách của Tổ trưởng tổ dân phố, thôn, bản phù hợp.
Khi xem xét việc xây dựng, ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) nên quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò và chế độ, chính sách của Trưởng ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, thôn, bản.
Khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước đề nghị quan tâm việc quy định công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước hàng năm đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đề nghị nên bổ sung quyền im lặng khi chưa có mặt luật sư của bị can. Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015: Cử tri kiến nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa được sử dụng thống nhất trên toàn quốc; đồng thời nâng cao chất lượng đảm bảo sách giáo khoa phải ổn định lâu dài ít nhất 5 năm trở lên.
Kiến nghị với Chính phủ, cử tri cho rằng, Ngành Bảo hiểm xã hội hiện đang được hưởng hệ số lương 1,8 là chưa phù hợp, đảm bảo tính công bằng so với cán bộ, công chức hành chính, sự nghiệp các ngành nghề khác; đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng cán bộ cơ quan Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã được hưởng 30% phụ cấp giống như cán bộ, công chức trong các cơ quan, đoàn thể này ở cấp huyện trở lên. Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ xem xét chính sách hậu TĐC và kéo dài thêm 2 năm hỗ trợ lương thực cho các hộ dân TĐC thủy điện Sơn La ở thị xã Mường Lay, vì đời sống của các hộ dân còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.
Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc thu nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ do có nhiều hạn chế như: mẫu biên lai dễ rách, thiếu các chế tài xử phạt với các trường hợp không chấp hành, mức thu theo dung tích xi lanh của mô tô 2 bánh như hiện nay là chưa phù hợp bởi đều là phương tiện 2 bánh. Kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét bố trí hoàn trả số vốn đã ứng từ nguồn vốn Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La. Đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo công khai lịch tích nước hồ chứa nước thủy điện Sơn La để địa phương có kế hoạch chỉ đạo nhân dân vùng TĐC chủ động sản xuất.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và báo cáo Quốc hội, các Bộ, ngành xem xét giải quyết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Theo dienbientv