Nghiên cứu - Trao đổi  

Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương

Cập nhật ngày 14/10/2014 10:52:26 AM - Lượt xem: 256

Từ ngày 01/7/2011 trở về trước, khi giải quyết xét xử các vụ án hành chính, Tòa án áp dụng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, tuy nhiên các vụ án mà Tòa án địa phương thụ lý giải quyết không nhiều, từ năm 2008 đến năm 2012 Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mới giải quyết 14 vụ. Ngày 01/7/2011 Luật tố tụng hành chính mới có hiệu lực, mở rộng hơn thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các loại vụ việc, án hành chính có chiều hướng gia tăng về số vụ. Tuy nhiên phần lớn vụ án hành chính do Tòa án cấp huyện thụ lý, giải quyết là các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (khởi kiện quyết định thu hồi đất, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế...). Vì vậy ở bài viết này chỉ xin nêu ra một số khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm tạo được sự đồng thuận từ phía người dân - chính quyền địa phương trong công tác giải quyết xét xử án hành chính tại Tòa án.


Luật tố tụng hành chính có hiệu lực đã mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các loại vụ việc mà trước đây bị hạn chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân khi khởi kiện tại Tòa. Bên cạnh những thuận lợi thì việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại Tòa án địa phương gặp phải những khó khăn nhất định:
Thứ nhất: Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật tố tụng hành chính còn chậm. Các văn bản hướng dẫn Luật chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu thực tiễn giải quyết, xét xử án hành chính. Các văn bản hướng dẫn áp dụng luật Đất đai quá nhiều, có những văn bản mâu thuẫn chồng chéo dẫn đến mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau cụ thể là trong công tác đền bù, thu hồi đất trên thực tế đã tạo cho một số người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước Quyết định, thu hồi, đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, dẫn đến khiếu nại kéo dài, gây bức súc trong nhân dân.
Thứ hai: Số lượng án hành chính của Tòa án cấp huyện bị hủy và sửa chiếm tỉ lệ cao so với tổng số án hành chính bị kháng cáo chủ yếu do các nguyên nhân: Thẩm phán xác định không đúng tư cách những người tham gia tố tụng trong vụ án hành chính dẫn đến có một số vụ án, Thẩm phán không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bản án tuyên không đúng làm mất đi quyền khởi kiện của đương sự.
 Việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án không đúng; trong quá trình giải quyết vụ án Tòa sơ thẩm chưa tạo điều kiện để cho các đương sự đối thoại với nhau theo quy định của luật Tố tụng hành chính.
Thứ ba: Trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật của nhân dân các dân tộc một tỉnh miền núi khó khăn còn hạn chế. Đã thành nếp suy nghĩ cán bộ luôn đúng, suy nghĩ về việc “dân kiện quan” còn xa lạ đối với nhiều người, nhân dân luôn tin tưởng và chấp hành mọi quyết định của cơ quan nhà nước cho dù quyết định đó chưa tuân thủ đầy đủ về quy trình và thủ tục của pháp luật. Ảnh hưởng của tư duy cũ: “nhà nước lo cho tất cả” đã không tạo ra lối nghĩ về việc dân có thể kiện lại chính quyền. Những thói quen, nếp nghĩ đó của công dân và cơ quan nhà nước đã hạn chế số lượng người dân yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ tư: Thẩm phán tòa hành chính chưa có tính độc lập nhất định.
Thứ năm: Công tác mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử án hành chính gặp nhiều khó khăn.
Thứ sáu: Công tác thi hành án án hành chính gặp nhiều khó khăn. Khi vụ án hành chính đã xét xử xong có hiệu lực pháp luật nhưng quyền lợi của người dân chưa được giải quyết đến cùng, các phán quyết của Tòa chưa được thực thi nghiêm túc. 
Khó khăn trên chủ yếu bởi các nguyên nhân sau:
- Áp dụng Luật tố tụng hành chính mới, số lượng án ít nên kinh nghiệm giải quyết án hành chính của các Thẩm phán nhất là Thẩm phán cấp huyện không nhiều dẫn đến sai sót trong quá trình giải quyết xét xử. 
- Tố tụng hành chính là loại án "đặc biệt" giữa một bên người bị kiện luôn là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền (là "quan") với một bên người khởi kiện là người yếu thế hơn (là "dân") - chịu sự tác động của các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nhận thức của một số người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa thống nhất, còn có quan niệm cho rằng Tòa án là cơ quan chấp hành của Ủy ban nhân dân và phải tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong giải quyết các khiếu kiện về đất đai. 
- Chế độ đối với Hội thẩm nhân dân thấp, không đảm bảo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa. Hội thẩm nhân dân thường là các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Người bị kiện trong các vụ án hành chính là cơ quan hành chính nhà nước, đại diện theo pháp luật là lãnh đạo các cơ quan này, trong các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đại diện theo pháp luật là chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (tỉnh). Hội thẩm thường không muốn tham gia các vụ án hành chính bởi quan hệ cấp trên - cấp dưới không tránh khỏi tâm lý ngại va chạm.
- Khi quyết định hành chính sai trái bị huỷ bởi bản án của Tòa án, quyền và lợi ích của người khởi kiện sẽ được khôi phục hoặc thực thi hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan hành chính. Quyền tư pháp không thể lấn sân sang quyền hành pháp, Thẩm phán không thể can thiệp sâu vào hoạt động của cơ quan hành chính. Vì vậy, khi giải quyết vụ án hành chính, thẩm quyền của Toà án chỉ dừng lại ở mức độ phán xét tính hợp pháp của một quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không thể chỉ định một phương thức xử sự cụ thể cho cơ quan hành chính. 
Từ những khó khăn trong thực tiễn xét xử án hành chính và phân tích nguyên nhân xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô lâu dài như:
- Kiện toàn cách thức tổ chức của Toà hành chính theo hướng tổ chức theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; tạo ra những thiết chế khác để đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán hành chính.
- Đổi mới chế độ đối với hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa.
Thì cần phải có những giải pháp trước mắt:
- Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh từ đó thay đổi nhận thức và cách thức ứng xử của cán bộ, công chức của tỉnh bắt kịp với xu thế phát triển chung của hội nhập trong tình hình hiện nay.
- Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho Thẩm phán, tập huấn nâng cao trình độ cho Hội thẩm nhân dân. 
- Cơ quan hành chính nhà nước cần nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án.
Bản án hành chính của Tòa án, quyết định của cơ quan hành chính công tâm đúng pháp luật là mong muốn và nguyện vọng của mọi người dân. Từ quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật tôi xin nêu ra một vài ý kiến trên, rất mong nhận được sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến.
 
Vi Thị Hương
Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Điện Biên
 
 


Tin liên quan
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA HIẾN PHÁP 2013
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đại biểu HĐND tỉnh – huyện năm 2014