Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé được triển khai từ năm 2005 đến năm 2010 theo quyết định 237/QĐ-UBDT ngày 16/5/2005 của Ủy ban Dân tộc, giao UBND tỉnh Điện Biên làm chủ quản đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Tổng vốn đầu tư dự án là 19.399,05 triệu đồng với mục tiêu thực hiện xóa đói giảm nghèo từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Si La, phấn đấu đến năm 2010 dân tộc này phát triển, hội nhập với các dân tộc khác trong tỉnh.
Sau 5 năm triển khai thực hiện dự án, với tổng vốn kế hoạch Trung ương giao là 20.350 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 18.500 triệu đồng, vốn sự nghiệp 1.850 triệu đồng) thực hiện 19. 804,9 triệu đồng đạt 97,32% kế hoạch giao (trong đó vốn đầu tư phát triển 18.239,9 triệu đồng đạt 98,59% kế hoạch vốn sự nghiệp 1.565 triệu đồng đạt 84,59% kế hoạch). Tình hình kinh tế - xã hội bản Nậm Sin đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân Si La tại bản Nậm Sin từng bước được nâng lên.
Về cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đường giao thông đi lại được cả 4 mùa trong năm, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên được đầu tư xây dựng kiên cố, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, công tác khuyến nông, khuyến lâm đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, trước đây người dân Si La chủ yếu là sản xuất độc canh trên nương rẫy và khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên theo phương thức thủ công chọc lỗ tra hạt nên năng xuất thấp, sau 5 năm thực hiện dự án, giờ đây người dân đã biết canh tác lúa nước khai hoang, đào ao thả cá... đời sống của đồng bào đã dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 88,5% (năm 2005) xuống còn 72,5% (năm 2010) bình quân mỗi năm giảm 3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010) các hộ gia đình đã được dự án hỗ trợ làm nhà ở, lương thực bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2005 thu nhập 1.800.000 đồng/người/năm đến năm 2010 là 2.160.000 đông/người/năm hiện nay là 4.230.000 đồng/người/năm.
Văn hóa, xã hội đã từng bước được cải thiện, toàn hộ các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, trước chưa có dự án chỉ có một cháu học hết lớp 4 đến nay đã có 8 cháu đã và đang theo học các trường Cao đẳng Đại học trong và ngoài tỉnh, bản đã được đầu tư điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ có Ti vi, đài Rađiô, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, nhân dân đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu đã được đẩy lùi, đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được đẩy lùi, đến nay người dân Si La đã kết hôn với các dân tộc khác như Thái và Hà Nhì.
Tuy nhiên dự án đã kết thúc từ năm 2010, do đó một số nội dung chính sách được dự án đầu tư hỗ trợ nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả một số công trình đã được đầu tư đến nay đã xuống cấp hoặc đã hỏng nhưng chưa được quan tâm sửa chữa.
Tình hình phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân tuy đã có lưới phát triển xong vẫn còn gặp nhiều khó khăn tình trạng thiếu đói vẫn thường xuyên xảy ra vào những tháng giáp hạt.
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Si La vẫn chưa thực sự đạt được những mong muốn của dự án đề ra.
Đề nghị với Chính phủ, Ủy ban dân tộc, các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư giai đoạn II của dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La tỉnh Điện Biên.
Lầu Nỏ Sa
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Điện Biên