Nghiên cứu - Trao đổi  

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Cập nhật ngày 20/05/2025 18:29:31 PM - Lượt xem: 104

Đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân


Khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013 quy định:  đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND; không quy định chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Đại biểu HĐND chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là hình thức giám sát trực tiếp, hiệu quả đối với quyền tư pháp bảo đảm theo nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2 Hiến pháp 2013). Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp được phát thanh, tuyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Hội đồng nhân dân có thể ban hành Nghị quyết về chất vấn; giám sát đôn đốc việc thực hiện các cam kết của người trả lời chất vấn. Thực tế, việc chất vấn Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tuy không nhiều như các thành viên Ủy ban nhân dân nhưng cũng đại biểu HĐND tỉnh thực hiện hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Nếu không thực hiện chất vấn, đại biểu HĐND chỉ thực hiện quyền kiến nghị đối với Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thì việc kiểm soát đối với quyền tư pháp sẽ trở nên hình thức, hiệu quả không cao. Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh, khu vực). Như vậy, đại biểu HĐND cấp tỉnh vẫn thực hiện được quyền chất vấn đối với Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Mặt khác, qua thực tiễn công tác cho thấy, một số đơn kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân mà cử tri mong muốn đại biểu HĐND xem xét, đôn đốc, giám sát để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Để thực hiện quyền giám sát, thì chất vấn là một hình thức hiệu quả nhất mà đại biểu HĐND có thể sử dụng. Với những lý do trên, đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nghiên cứu, giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân như Hiến pháp 2013.

 Việc tổ chức đơn vị hành chính địa phương 2 cấp là cần thiết, phù hợp

Kế thừa Hiến pháp năm 1945, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính địa phương gồm 3 cấp tỉnh: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương); cấp xã (xã, phường, thị trấn). Trong giai đoạn đầu của đất nước, kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn nhất định; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế, chưa chuẩn hóa, việc tổ chức đơn vị hành chính 3 cấp, trong đó cấp huyện là đơn vị hành chính trung gian là phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, sau gần 40 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN, thứ 32 trên thế giới, việc tổ chức đơn vị hành chính 2 cấp (tỉnh, xã), kết thúc hoạt động của cấp huyện là phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới; yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị nhà nước và xu hướng chung của các nước trên thế giới. Theo báo cáo của Viện Nhà nước và Pháp luật, đơn vị hành chính địa phương ở một số nước như: Nhật Bản, Anh, Đức…chính quyền địa phương được tổ chức theo hệ thống hai cấp.

Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025, khoản 1 Điều 110 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi quy định đơn vị hành chính 2 cấp: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là cần thiết và phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh còn quy định chung chưa rõ, cấp huyện, cấp xã đều là dưới cấp tỉnh. Vì vậy, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại khoản 1 Điều 110 dự thảo Nghị quyết đề nghị diễn đạt cụ thể, rõ hơn trong Hiến pháp về chính quyền địa phương 2 cấp, cụ thể như sau:

“1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm:

Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Xã, phường, đặc khu.”

Đề nghị giữ nguyên quy định lấy ý kiến Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Khoản 2 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 không quy định việc “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” (khoản 3 Điều 110 dự thảo Nghị quyết).

Cử tri huyện Tuần Giáo tham gia ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Đơn vị hành chính được hiểu là một bộ phận lãnh thổ và dân cư trong một quốc gia được nhà nước phân định theo cấp độ về phạm vi địa lý với tổ chức chính quyền nhà nước tương ứng được thành lập và hoạt động theo thẩm quyền do pháp luật quy định để thực hiện quyền lực nhà nước và quản lý mọi mặt của xã hội trên cơ sở quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy tiềm năng kinh tế - xã hội của từng vùng lãnh thổ và dân cư. Nhiều đơn vị hành chính được hình thành từ rất lâu trong lịch sử, gắn với nhiều giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư địa phương. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính có tác động trực tiếp đến Nhân dân địa phương và thu hút được sự quan tâm của Nhân dân địa phương.

Nhân dân tham gia ý kiến khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là một hình thức thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Thực tiễn vừa qua, khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Điện Biên, đã có 118.341 cử tri, đạt tỷ lệ 84,08% trên tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến; số cử tri nhất trí với phương án sắp xếp đạt tỷ lệ 83,29%; một số cử tri có ý kiến từ thực tế địa phương để cơ quan có thẩm quyền xem xét nhằm đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hợp lý, hiệu quả, bền vững, mở rộng không gian phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa.

Như vậy, việc tham gia ý kiến của Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là cần thiết, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân, đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Do đó, đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, xem xét, giữ nguyên quy định phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính./.

Bài ảnh: Cát Tường

 

 

 


Tin liên quan
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá”
Sắp xếp 129 xã, phường, thị trấn để thành lập mới 45 đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Điện Biên
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng
Một số điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15
Nặm Cứm - khát vọng thoát nghèo gắn với bảo tồn và phát triển Hoa Ban
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025
Điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025/QH15
"Kỷ cương, trách nhiệm; tinh gọn, hiệu quả; chủ động, kịp thời; tăng tốc, bứt phá" thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025