
Đoàn đại biểu Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm vong linh đồng bào tử nạn do lũ quét tại thị xã Mường Lay
Tham dự Đại lễ cầu siêu có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lò Thị Minh Phượng Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Chu Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và trên 2.000 Phật tử Hội Phật giáo Việt Nam, thân nhân các đồng bào tử nạn cùng Nhân dân trên địa bàn thị xã.
Cách đây hơn 30 năm, hai trận lũ quét lịch sử xảy ra vào tháng 6/1990 và tháng 8/1996 trên địa bàn thị xã Mường Lay đã cướp đi sinh mạng của 126 người và làm hàng trăm người khác bị thương; nhiều cơ quan, công sở và nhà ở của người dân bị lũ cuốn trôi, bị đất đá vùi lấp hoặc bị hư hỏng nặng... Tưởng niệm vong linh đồng bào tử nạn và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do lũ quét, Đại lễ cầu siêu đã cử hành nghi thức rước vong lên Chùa để cầu nguyện cho linh hồn đồng bào tử nạn sớm siêu thoát, phù hộ cho quốc thái, dân an. Đại lễ cầu siêu được cử hành trang trọng, bắt đầu bằng nghi thức lễ kiều vong (mời gọi các vong linh) tại khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La, với ý nghĩa tâm linh dẫn dắt các hương linh về nương tựa cửa Phật; nghi lễ cúng tiếp linh (cúng Phật), dâng hương Tam bảo và cầu siêu tại chùa Linh Ứng; nghi lễ mông sơn thí thực (lễ cúng cô hồn), lễ hoa đăng tại khu văn hóa tâm linh thị xã Mường Lay…

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Thị xã Mường Lay và Phật tử Hội Phật giáo Việt Nam cử hành nghi thức tâm linh động thổ xây dựng tượng Đức Phật Thích Ca
Đại lễ cầu siêu không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc; mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh, mất mát to lớn của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ trong thiên tai. Đây cũng là dịp cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình và nhân dân được sống trong an lành, hạnh phúc.
Bên cạnh các hoạt động chính diễn ra vào ngày 5/4, trong khuôn khổ tổ chức Đại lễ cầu siêu còn có các hoạt động khác diễn ra từ ngày 4 - 6/4/2025 như: Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; trưng bày triểm lãm ảnh và không gian văn hóa dân tộc Thái tại Bến thuyền cơ khí thị xã Mường Lay, Lễ hàn gắn long mạch, Lễ động thổ tâm linh tượng Đức Phật Thích Ca./.
Tin, ảnh: Nghiêm Hoa