Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên chất vấn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Tạ Thị yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh đề nghị Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, tràn lan thông tin sai lệch và tin giả, ngoài việc tăng cường chất lượng đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?. đại biểu cho biết thêm kinh tế báo chí là một ngành kinh tế có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới khi báo chí truyền thống trở thành một ngành công nghiệp với quy mô sản xuất theo dây chuyền lớn có sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế chính sách và điều tiết của nhà nước.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết khi Việt Nam chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng và chi nhiều tiền cho quảng cáo và chủ yếu quảng cáo thông qua báo chí; khi đó báo chí có thể tự chủ kinh phí hoạt động, không dùng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên khi mạng xã hội xuất hiện, có 80% quảng cáo bằng hình thức trực tuyến trên mạng xã hội, trong khi hiện nay cả nước có 880 cơ quan báo chí, số lượng cơ quan báo chí tăng, nguồn thu giảm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng đưa ra 03 giải pháp thực hiện trong thời gian tới: (1) Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách; các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông nhiệm vụ thường xuyên, chủ động đưa thông tin, xây dựng kế hoạch đưa thông tin, bố trí bộ máy đưa thông tin, bố trí ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách đó để đặt hàng báo chí. “Hiện nay chính quyền các cấp tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí”, Bộ Trưởng cho biết thêm. (2) Luật Báo chí sửa đổi, trong đó có quy định về kinh tế báo chí, cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông. (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong báo chí. “Bây giờ nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội thì chúng ta sẽ đứng ở phía sau, cách làm khác mạng xã hội là quay lại những giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để chúng ta lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả từ đó thì quảng cáo cũng sẽ tăng lên” - Bộ trưởng nhận định.
“Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí có nội dung rất quan trọng là: Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo cơ chế đặc biệt cho họ và sửa Luật Báo chí sắp tới rất mong Quốc hội ủng hộ, giao cho Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị./.
Tin, ảnh: Tòng Thiện