Đoàn ĐBQH tỉnh  

ĐBQH tỉnh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Cập nhật ngày 11/11/2024 15:33:09 PM - Lượt xem: 154

Sáng nay (11/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.


Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt phát biểu tại phiên chất vấn

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi: Trong năm 2024 Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Trong 09 tháng đầu năm mới đạt 8,53%, đến ngày 31/10/2024 tín dụng tăng trưởng 10,08%. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp và chỉ còn 02 tháng để đạt được chỉ tiêu theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra. Đề nghị Thống đốc cho biết, tính khả thi của chỉ tiêu tín dụng với 15% trong năm 2024. Nếu chỉ vì chỉ tiêu này mà cung quá lớn tín dụng ra thị trường thì có ảnh hưởng tới nợ xấu và khả năng hấp thụ vốn không? Thống đốc có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Quàng Thị Nguyệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15% và trong Chỉ thị đầu năm của Thống đốc cũng có nêu là sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến 31/10/2024 tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 10.08%, so với con số là khoảng 15% thì nghe có vẻ thấp. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 16,5% và thường thì tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là 02 tháng cuối năm vì đấy là dịp nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ Tết Nguyên Đán. “Chúng tôi cho rằng, khả năng cũng có thể là đạt được khoảng 15%”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Về đẩy mạnh tín dụng có lo ngại vấn đề nợ xấu hay không, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách khi cho vay cần thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thì phải hết sức thận trọng và cân đối nguồn vốn của mình. Đối với bản thân các doanh nghiệp và người dân thì cũng cần tăng cường khả năng về tài chính cũng như là cơ cấu lại cách thức hoạt động quản trị, đặc biệt là quản trị dòng tiền. Trên thực tế, có những doanh nghiệp có tiền nhưng quản trị dòng tiền không tốt dẫn đến khó khăn trong thanh khoản vào một số thời điểm nhất định.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên chất vấn

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường do xung đột khu vực, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, với một nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, làm thế nào để có thể điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giữa tác động của các yếu tố khách quan bên ngoài và những tồn tại, hạn chế bên trong của nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng thì yếu tố nào tác động nhiều hơn tới chính sách tiền tệ? Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ứng phó chính sách đối với những thách thức này như thế nào?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để đánh giá được tác động của quốc tế và trong nước, cái nào lớn hơn thì tương đối là khó. Thực tế những năm gần đây, cả yếu tố nước ngoài và trong nước đều tác động và đặt ra thách thức rất lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Quốc tế có những diễn biến chưa từng có tiền lệ như Covid-19 vì thế mà ngân hàng trung ương các nước đã thắt chặt chính sách tiền tệ rất nhanh và mạnh, chưa bao giờ FED tăng lãi suất trên 5% trong vòng 01 năm; giá vàng lập đỉnh chưa bao giờ có; lạm phát toàn cầu của các nước tăng cao...là những diễn biến rất khó khăn, tác động ngay đối với thị trường tiền tệ, tài chính trong nước, nhất là chúng ta có độ mở cửa lớn. Trong nước, những vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn khi khi đại dịch Covid-19 xuất hiện như là thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Đặc biệt, đối với hoạt động ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB vào tháng 10/2022.

“Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, có những thời điểm những yếu tố này cùng một lúc tác động vào hoạt động của hệ thống ngân hàng cho nên là rất khó khăn, rất là thách thức. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động tâm thế ứng phó với tình hình”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong điều hành chính sách tiền tệ thì ba chỉ số quan trọng nhất là lãi suất, tỷ giá và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện điều hành rất căn cơ, đặt lên trên hết và trước hết đó là sự ổn định, an toàn của hệ thống.

“Ngân hàng Nhà nước với vai trò là phải đặt an toàn hoạt động của hệ thống lên hàng đầu thì chúng tôi đã xử lý để mà làm sao ổn định được cả thị trường ngoại hối cũng như là an toàn hoạt động của hệ thống. Nếu ngoại hối không ổn định được tỷ giá, lúc đó tăng đến 10%, nhà đầu tư tâm lý không ổn định mà rút vốn về nước thì lúc đó là đồng thời cả rút ngoại tệ về nước và rút tiền Việt Nam đồng ở trong nước thì hệ thống khó có thể ổn định cho đến nay”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 


Tin liên quan
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về phân luồng học sinh
Cần một quy trình đơn giản trong phát hành tài liệu giáo dục địa phương
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp
Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội