Đồng chí Giàng Thị Hoa, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các ngành liên quan về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương ban hành văn bản triển khai thực hiện
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương đối với 03 chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện (Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030); Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết thông qua chủ trương, cơ chế, quy định cụ thể; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ tỉnh đến cơ sở. Ở cấp tỉnh đã ban hành Quyết định số 3387/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm 38 thành viên, trong đó đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh. Tại cấp huyện 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn. Tại cơ sở xã, 100% cấp xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do Bí thư Đảng uỷ cấp xã làm Trưởng ban; thành lập Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã làm Trưởng ban; xây dựng quy chế hoạt động, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ các thôn, bản.
Trong gần 04 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh uỷ Điện Biên đã ban hành 01 Nghị quyết, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật và 48 văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện.
Những mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều được đặt ra
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở đó tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều cụ thể trong giai đoạn 2021- 2025: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 4% trở lên, giảm từ 34,9% năm 2021 xuống dưới 18,9% năm 2025; trong đó tỷ lệ các huyện nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5,5% trở lên; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5%/năm trở lên; Phấn đấu 02 huyện nghèo thoát nghèo.
Các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình giảm nghèo bền vững cần đạt được đến năm 2025 được đặt ra như: Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; 07 huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 30 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản.
Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản được đặt ra như giải quyết chiều thiếu hụt: về việc làm; về Y tế; về giáo dục, đào tạo; về nhà ở; về nước sinh hoạt và vệ sinh; về thông tin.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thăm mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho người dân tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.
Những kết quả giảm nghèo đã đạt được sau những quyết tâm, cố gắng
Với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, cố gắng của các tầng lớp nhân dân, sau gần 04 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2023 còn 25,68%; giảm 9,22% so với năm 2021. Dự kiến đến hết năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 31.385 hộ, chiếm tỷ lệ 22,03%; giảm 12,87% tỷ lệ hộ nghèo so với đầu kỳ năm 2021, đạt 80,43% mục tiêu đến 2025. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5,5% trở lên, vượt và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5% đạt mục tiêu hằng năm theo kế hoạch; có 02 huyện (Mường Ảng và Tuần Giáo) đăng ký và phấn đấu thoát huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Kết quả đạt được của một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). Hỗ trợ xây dựng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, giải quyết việc làm cho 8.700 lao động/năm; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ khoảng 100 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ (đạt 90,9% mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 87% (đạt 96,66% mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh 11-14 tuổi học trung học cơ sở đạt 97,4%, tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi học trung học phổ thông và tương đương đạt 72,2%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ I là 96,9%. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Đến 30/6/2024 có 1.621 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai. 90,27% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (đạt 100,3% mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); ít nhất 36,12% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 60,20% mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). 87,2% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông (đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); 97,8% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh cơ sở có cụm loa đến thôn, bản hoạt động hiệu quả.
Để đạt được những kết quả và các chỉ tiêu, mục tiêu trên, từ năm 2021 đến 30/6/2024, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực được 2.119.975 triệu đồng để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây quế, cây sắn tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ
Những khó khăn, thách thức, hạn chế cần tiếp tục được giải quyết
Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững do số hộ cận nghèo tăng, bên cạnh đó nhiều huyện còn thiếu đất canh tác nông nghiệp, một số hộ nghèo còn lúng túng trong lựa chọn phương thức thoát nghèo; lựa chọn các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi do còn vướng mắc về hướng dẫn việc mua sắm cây trồng, vật nuôi và những hàng hoá dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất; ngoài ra, các cơ sở cung cấp con giống trên địa bàn không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật chăn nuôi. Một số mô hình, dự án phát triển kinh tế chưa rõ nét, chưa đánh giá được hiệu quả để nhân rộng.
Một số huyện chưa bố trí ngân sách địa phương hoặc vốn xã hội hoá để triển khai Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Việc triển khai hỗ trợ người đi lao động nước ngoài kết quả giải ngân chỉ đạt 0,62% kế hoạch vốn. Chất lượng đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số cán bộ ở cơ sở chưa nắm chắc các kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
Nhiều chỉ tiêu đạt tỉ lệ thấp, như: số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công, lao động được hỗ trợ đào tạo nghề; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế ước đạt 36,4% (47 xã), trong đó tại huyện nghèo ước đạt 30,1% (28 xã); số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở đạt 34,62% (1.621 hộ)…
Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn
Các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Ngày 18/01/2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến giữa năm 2022 các Bộ mới ban hành các Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, do vậy, một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai còn chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, phối kết hợp tổ chức quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia). Một số nội dung phải chờ các bộ, ngành quy định sửa đổi, bổ sung (Quy định lao động có thu nhập thấp; Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không là đối tượng thụ hưởng của chương trình về hỗ trợ "cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo").
Một số sở, ban, ngành được phân công giúp các xã đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững còn có mặt hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện chương trình; xác định các mục tiêu, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo còn chung chung, chưa cụ thể; công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nghèo nghèo còn lúng túng, đặc biệt là liên quan đến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (một số ít cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm do đó chưa quyết tâm triển khai thực hiện). Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trình độ còn hạn chế, nên ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương.
Thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện một số dự án còn chậm; bên cạnh đó năng lực, trách nhiệm quản lý điều hành của một số chủ đầu tư hạn chế nên tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn giao nên nhiều dự án đã được bố trí vốn phải điều chuyển sang năm sau.
Các hộ nghèo, cận nghèo phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn sinh sống rải rác tại các xã đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí thấp, không đồng đều; cơ sở hạ tầng thiết yếu thiếu, chưa đồng bộ; một bộ phận không nhỏ người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Các cơ sở cung cấp con giống, vật nuôi trên địa bàn chưa đáp ứng được các quy định của Luật Chăn nuôi, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi, do đó khó khăn trong việc cung ứng giống...
Những giải pháp thiết thực được đặt ra
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững; các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững với phương châm mỗi địa phương có một mô hình hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, tập trung đào tạo ngành nghề gắn với thực tiễn sản xuất, nhu cầu học nghề của từng đối tượng và nhu cầu việc làm. Chương trình giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác; tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo.
Phân bổ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bảo đảm kế hoạch; đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện tuyên truyền Chương trình giảm nghèo. Phối hợp vận động dòng họ, gia đình, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng, làm cho người nghèo nhận thức được trách nhiệm giảm nghèo của bản thân để tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chủ trì, quản lý với các cơ quan liên quan khác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Thực hiện rà soát, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo hằng năm bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý công tác giảm nghèo.
Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo với các hình thức tuyên truyền phù hợp từng vùng, từng nhóm đối tượng.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở./.
Nguyễn Dung