Đồng chí Lò Thị Bích - Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chủ trì buổi làm việc với huyện Điện Biên
Theo báo cáo của UBND huyện cho thấy, thời gian qua UBND huyện Điện Biên đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an huyện tăng cường phối hợp trong hoạt động thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2021 - 2024, Công an huyện đã phối hợp với UBND các xã và các đơn vị liên quan tổ chức mở 21 lớp tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và công tác tái hòa nhập cộng đồng tại 21 xã trên địa bàn huyện, với hơn 4.000 lượt người tham gia; 1 lớp hoạt động trợ giúp tâm lý và hỗ trợ thủ tục pháp lý cho 140 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện; 2 lớp tập huấn do Công an tỉnh tổ chức với 176 đại biểu tham gia về công tác tái hòa nhập cộng đồng và lồng ghép các quy định về Luật Thi hành án hình sự cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã làm công tác tái hòa nhập cộng đồng. Tòa án nhân dân huyện thụ lý, giải quyết 801 vụ án, 867 bị cáo; trong đó đã giải quyết: 800 vụ/862 bị cáo; tổ chức 03 phiên tòa, phiên tòa xét xử lưu. Viện Kiểm sát thụ lý: 801 vụ/ 867 bị cáo; đã giải quyết 800 vụ/ 862 bị cáo, Kiểm sát tạm giữ 767 người; Kiểm sát tạm giam 972 người. Chi cục Thi hành án dân sự huyện thụ lý, ra quyết định thi hành án theo yêu cầu 2.081 vụ việc (gần 67 tỷ đồng); trong đó, đã giải quyết 1.859 việc (trên 25 tỷ đồng), kết quả thi hành đạt 97,33% việc; 60,18% về tiền… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm phục vụ công tác chưa được đầu tư; tài liệu tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho phạm nhân chưa được cấp phát; tính chất các vụ án ngày càng phức tạp trong khi các văn bản hướng dẫn liên quan đến giải quyết án chưa kịp thời, chỉ tiêu biên chế chưa được bổ sung; do dịch Covid-19 và khó khăn về nguồn kinh phí nên việc tổ chức xét xử lưu động còn hạn chế; một số đối tượng phải thi hành án khó khăn về kinh tế, thuộc hộ nghèo, không có tài sản, nguồn thu nhập để thi hành án; số tiền phải thi hành án còn tồn lớn, cá biệt có việc còn phải đang xin ý kiến cấp trên, chưa có phương án giải quyết;...
Đồng chí Lò Thị Bích - Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chủ trì buổi làm việc với xã Thanh An, huyện Điện Biên
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Bích - Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả công tác thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn huyện Điện Biên thời gian qua, trong điều kiện biên chế còn chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn rộng và phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn về buôn bán và sử dụng ma tuý. Đồng chí đề nghị huyện Điện Biên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đặc biệt là trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với UBMTTQ, các đoàn thể và chính quyền các địa phương trong hoạt động thi hành án hình sự, dân sự; thường xuyên quan tâm, đào tạo đội ngũ công an cấp xã nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; ...
Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Uỷ viên BTVTU, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện ĐIện Biên phát biểu tại buổi làm việc
Trước đó, Tổ giám sát số 2 đã giám sát thực tế tại UBND xã Thanh Yên, xã Thanh An và Nhà tạm giữ Công an huyện Điện Biên./.
Tin, ảnh: Đức Cường