Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Ảnh: chinhphu.vn
Kết quả triển khai thực hiện
Sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua, ngày 05/3/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng như tuyên truyền, phổ biến, bố trí nguồn lực để tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Với sự chủ động, tích cực, quyết tâm cao, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 17 văn bản kịp thời quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai, tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai được thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, đảm bảo tiến độ mà Luật Đất đai đã đề ra. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 06 Thông tư theo thẩm quyền.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phố biến những nội dung mới của Luật Đất đai cũng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: hội nghị trực tiếp, trực tuyến, hội thảo, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phóng sự, tin bài... qua đó, từng bước nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện trong các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai mà Luật Đất đai 2024 đã đề ra.
Sau thời gian 02 tháng thi hành Luật, bước đầu cho thấy các chính sách mới như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024 còn một số tồn tại, hạn chế như:
Do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nên số lượng các nội dung giao cho địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết khá nhiều (59 nội dung), trong khi các địa phương còn hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm. Mặc dù đã tích cực, chủ động nhưng đa số địa phương còn khó khăn, lúng túng nên chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật thuộc thẩm quyền. Đến ngày 08/10/2024 chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật được giao. Các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành Luật Đất đai như định mức kinh tế - kỹ thuật, tổ chức bộ máy, biên chế, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu tại các địa phương cũng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của các quy định đổi mới của pháp luật đất đai; chưa giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai.
Một số địa phương có khó khăn, vướng mắc về điều chỉnh bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024. Nguyên nhân là do giai đoạn 2021-2024 địa phương đó không điều chỉnh hoặc điều chỉnh không thường xuyên bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, dẫn đến khi thực hiện Luật Đất đai 2024, bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch lớn so với bảng giá đất hiện hành khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc một số địa phương có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 là xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt của một số địa phương, không phải do vướng mắc từ chính sách hoặc quy định của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Cần tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để xây dựng, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Quan tâm chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...
Khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2026. Trong quá trình điều chỉnh phải phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội.
Ngoài ra cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai đối với cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như người sử dụng đất.
Bài, ảnh: Mai Hồng