Tin tức & sự kiện  

Nậm Pồ: 12/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3

Cập nhật ngày 01/10/2024 21:07:47 PM - Lượt xem: 72

Hôm nay (01/10), tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát, Đoàn giám sát của Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Nậm Pồ về “Việc triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện. Đồng chí Mùa A Vảng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.


Đoàn giám sát làm việc với huyện Nậm Pồ

Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2021-2023, 15/15 xã của huyện Nậm Pồ duy trì đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Năm 2023, có 12/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch UBND tỉnh giao như: Tỷ lệ huy động trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 97,5% (kế hoạch giao là 97,2%); tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 92,9% (kế hoạch giao là 80,1%); tỷ lệ huy động trẻ từ 15-18 tuổi đi học THPT và tương đương đạt 71,92% (kế hoạch giao là 65,5%). 100% giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi, giáo viên tiểu học và THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, mua sắm trang thiết bị và chi trả chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh được quan tâm. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, Nậm Pồ đã tích cực kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Trong những năm qua, huyện đã phát động nhiều phong trào xã hội hoá như xây dựng nhà vệ sinh trường học, Chương trình “Nước cho em”, Chương trình “Tiết kiệm 2000 đồng mỗi ngày cho giáo dục”...

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn còn có những khó khăn như: cơ sở vật chất trường, lớp học của một số trường chưa được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, thiếu quỹ đất để xây dựng phòng học, phòng bộ môn, nhà ở bán trú, sân chơi cho học sinh; hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại một số xã chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho con em đi học; tỷ lệ huy động trẻ 15 tuổi vào lớp 10 năm 2023 chỉ đạt 55,56% (kế hoạch giao là 71,2%).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao kết quả công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn. Với rất nhiều khó khăn nhưng có sự nỗ lực, quyết tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện cung cấp thêm thông tin về kinh phí thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; phân luồng học sinh sau THCS, đạo tào nghề và giải quyết việc làm cho học sinh tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp nghề; việc dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; việc sáp nhập các trường tiểu học và THCS trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc của huyện trong việc duy trì phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn.

Các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát đã được đại diện lãnh đạo huyện và các phòng, ban của huyện Nậm Pồ giải trình, làm rõ. Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Lê Khánh Hoà, Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ đề nghị các cấp, các ngành quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ cho các giáo viên dạy tại các điểm bản; xem xét hỗ trợ ăn bán trú cho tất cả các học sinh vùng đặc biệt khó khăn; tăng chỉ tiêu cử tuyển sư phạm tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn; cân nhắc việc sáp nhập trường tiểu học và THCS để đảm bảo tốt nhất chất lượng, hiệu quả giáo dục...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mùa A Vảng, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến, kiến nghị của huyện Nậm Pồ liên quan đến công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ để phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Đề nghị huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 31 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại cơ sở; có giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh tại các trường có nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt...

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 

 


Tin liên quan
Giám sát phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại huyện Nậm Pồ
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp tháng 9/2024
HĐND huyện Điện Biên Đông khoá VI nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ Mười sáu (Kỳ họp chuyên đề)
Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cần có kế hoạch cụ thể xây dựng bản, xã đạt chuẩn nông thôn mới
Hướng hợp tác xuất khẩu lao động trong lĩnh vực y tế
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Điện Biên khảo sát phản ánh của Báo Lao động
Công tác rà soát, lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 – 2025 được quan tâm, triển khai thực hiện
Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Mường Chà
Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để biến lợi thế của huyện thành thế mạnh phát triển