Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục đích tiếp tục thu thập thông tin liên quan phục vụ cho công tác phục dựng, củng cố hồ sơ, thu thập bổ sung thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến Đền thờ “Đức thánh Trần” tại Đồi A1 làm cơ sở, bằng chứng xác thực, đầy đủ về lịch sử, văn hoá, khoa học; qua đó tiến tới phục dựng lại Đền thờ để tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bậc tiền nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đề xuất phương án, giải pháp khả thi phục dựng Đền thờ “Đức thánh Trần” tại Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã phối hợp với một số chuyên gia, nhà khoa học các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hoá, lịch sử, bảo tàng, kiến trúc, xây dựng; liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam (như Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội), các tổ chức trong và ngoài nước để thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến ngôi Đền thờ “Đức thánh Trần” tại Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ trước đây đã bị quân đội Pháp phá huỷ. Bước đầu đã sưu tầm được một số hình ảnh, tài liệu thông tin có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá liên quan đến ngôi Đền này.
Theo kết quả nghiên cứu, tìm kiếm, thu thập thông tin sơ bộ cho thấy vào những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu) đã xây dựng ngôi đền - theo nhân dân là Đền thờ “Đức thánh Trần” tại đồi Lạng Chượng nay là đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ để thờ phụng, tưởng nhớ công lao của tiền nhân đã có công hộ quốc, an dân. Khi quân Pháp chiếm đóng Mường Thanh và tiến hành xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ban đầu, chúng cướp ngôi Đền này để làm đồn lính Pháp và gọi tên đồi là “đồi Đồn Tây”. Sau đó, chúng phá ngôi Đền để xây dựng cứ điểm đề kháng trên đồi và đặt tên đồi là Eliane 2. Ngồi Đền đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại ít dấu tích và trong tiềm thức của một số người dân địa phương. Tên đồi A1 là do bộ đội ta đặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và được sử dụng cho đến ngày nay.
Đồng chí Trần Quốc Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã được nghe 07 tham luận và 02 ý kiến thảo luận về các nội dung: đặc trưng, mô hình thờ phụng tiêu biểu của loại hình tín ngưỡng thờ Trần triều; đặc trưng đời sống văn hoá, một số loại hình tín ngưỡng tiêu biểu của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên; tài liệu và ý kiến gợi mở về vị trí Đền thờ Đức thánh Trần tại di tích Đồi A1; đề xuất mô hình phục dựng đền thờ và hình thức thờ phụng Đức thánh Trần ở Điện Biên...
Đền thờ Đức thánh Trần tại Đồi A1 (Ảnh chụp từ tài liệu Hội thảo, dòng chữ Poste Militarine De Dien-Bien-Phu được Pháp ghi thêm vào cổng Đền khi chiếm dụng nơi đây thành bốt quân sự)
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị nguyên lãnh đạo tỉnh về các thông tin, chứng cứ, luận chứng khoa học về Đền thờ Đức thánh Trần tại Đồi A1 để tỉnh Điện Biên có cơ sở đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc phục dựng lại Đền thờ trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Mai Hồng