Đoàn khảo sát của Hội đồng dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh
Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định; kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án, kế hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt giao đất, giao rừng… đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp các cấp, các ngành; nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng của cá tổ chức, cơ quan, đơn vị và người dân từng bước được nâng lên; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ rừng, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích 93.608,40 ha, trong đó rừng sản xuất 32.277,64 ha; rừng phòng hộ 57.240,68 ha; rừng đặc dụng 4.090,09 ha. Phân theo đối tượng có 15.276,41 ha giao cho các Ban quản lý rừng; 68.075,37 ha giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và 10.256,62 ha giao cho UBND các xã. Tổng diện tích đang được chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh là 300.105 ha với 4.828 chủ rừng; tổng kinh phí chi trả trong giai đoạn là 1.160 tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến 2023 đã tổ chức thực hiện trồng mới 2.760 ha rừng tập trung; 472 ha cây dược liệu dưới tán rừng (sa nhân, thảo quả…); chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dự án trồng cây Mắc ca với quy mô 88.272 ha,…
Đồng chí Lò Văn Tiến - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, làm rõ các nội dung Đoàn khảo sát yêu cầu
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: khối lượng thực hiện một số hoạt động lâm sinh đạt kết quả chưa cao; tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương, khai thác rừng trái phép, mua bán, vận chuyển, cất giữ trái pháp luật các loại gỗ, nhóm động vật hoàn dã vẫn còn xảy ra tại một số địa phương; tiến độ thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở các địa phương còn chậm so với yêu cầu về nhiệm vụ, kế hoạch và tiến độ chung của tỉnh, đặc biệt là công tác hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với các diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã thực hiện đo đạc, quy chủ tại thực địa…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và UBND tỉnh, các sở ngành tham gia buổi làm việc đã trao đổi, làm rõ một số nội dung về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao cho địa phương; công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ còn thiếu; kinh phí hỗ trợ công tác đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trồng rừng thay thế; sử dụng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng… Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất với Đoàn khảo sát một số kiến nghị như: đề nghị sửa đổi một số quy định của Luật Lâm nghiệp; sớm ban hành cơ chế, quy định triển khai về tín chỉ carbon rừng; đề nghị Chính phủ, các bộ ngành bố trí kinh phí cấp bách để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm,..
Thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Trưởng đoàn đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị để nghiên cứu đưa vào báo cáo chung của Đoàn khảo sát phục vụ cho việc xây dựng các chính sách trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Tòng Thiện