Chương trình hoạt động  

Cần có chiến lược đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước

Cập nhật ngày 26/06/2024 13:52:21 PM - Lượt xem: 256

Sáng nay (26/6), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội.


Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chủ trì phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm Di sản tư liệu trong lần sửa đổi này. Di sản tư liệu với nội hàm là di sản văn hóa được thể hiện dưới dạng tư liệu có giá trị đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung.

“Mặc dù, chúng ta có thể tìm thấy di sản tư liệu ở đâu đó trong cả hai dạng thức: Di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể. Song, tôi ủng hộ việc tách di sản tư liệu ra thành một loại hình di sản mới. Có như vậy mới đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở nước ta hiện nay và mở ra hướng phát triển trong tương lai”, Thượng toạ Thích Đức Thiện nêu ý kiến.

Đại biểu cho biết, việc tách di sản tư liệu thành một loại di sản mới phù hợp với các chương trình của UNESCO như Chương trình ký ức thế giới thiết lập năm 1992 và Di sản tư liệu thế giới. Đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Việt Nam tới đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm quy định cho các trường hợp đặc thù đó là di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa tôn giáo nói chung.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Thượng toạ Thích Đức Thiện thông tin, Phật giáo Việt Nam với hơn 2000 năm lịch sử đã trở thành một thành tố văn hóa không thể thiếu trong truyền thống văn hóa, văn hiến Việt Nam. Phật giáo đã tạo dựng phần lớn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, ở cả lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu. Trong số 130 di tích quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố trên cả nước, Phật giáo có 15 di tích quốc gia đặc biệt, 829 di tích quốc gia và hơn 3000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Di tích văn hóa Phật giáo chiếm khoảng 25-30% tổng số di tích trong cả nước. Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và còn nhiều mộc bản ở các chùa đã được công nhận là bảo vật quốc gia...

“Các ngôi chùa vừa là cơ sở tôn giáo, vừa là di tích lịch sử văn hóa được Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định là cơ sở tôn giáo, đặt dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định các cơ sở tôn giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp quản lý, sử dụng và là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức tôn giáo trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những trường hợp này”, Thượng toạ Thích Đức Thiện đề nghị.

Về quy định đăng ký di vật, cổ vật, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi thường trú. Theo đại biểu, việc quy định đăng ký di vật, cổ vật là hết sức cần thiết. Qua đó, có thể quản lý, nhận diện qua mã số; hình thành bộ dữ liệu di sản; quản lý việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật; ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích; cũng như ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với lợi ích, quyền lợi của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật được đăng ký, có như vậy thì việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

“Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thì dự thảo Luật nên quy định miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời. Có như vậy mới thực sự thu hút nguồn lực cho hồi hương cổ vật về nước”, Thượng toạ Thích Đức Thiện đề xuất./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV và chuyên đề lấy ý kiến tham gia xây dựng luật
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại huyện Điện Biên Đông
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đến thăm và trao tặng khẩu trang cho Sở Y tế tỉnh Điện Biên
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Điện Biên
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Sơn tiếp xúc cử tri huyện Mường Ảng
Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Nậm Pồ
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, chúc tết đại biểu Quốc hội các khóa nhân dịp Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020
Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Trần Thị Dung thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng và tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách