Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt phát biểu tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, ĐBQH tỉnh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng, chống mua bán người. Đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như: chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về đối tượng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí phiên dịch vì hiện nay Dự thảo Luật đang quy định không thống nhất giữa các điều Luật.
Về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc thực hiện có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật hình sự và trường hợp không xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.
Đối với trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tham gia phòng ngừa mua bán người quy định tại Điều 20 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản tại Điều này là “Vận hành trung tâm trợ giúp xã hội hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán.”. Đại biểu thông tin, trên thực tế Hội LHPNVN vận hành ngôi nhà bình yên được gần 17 năm, đây là sáng kiến nhằm hỗ trợ đối tượng bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị mua bán người nhằm cung cấp nơi ở tạm thời và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết ban đầu, tư vấn về pháp lý, trợ giúp ổn định về tâm lý, sau đó sẽ được hỗ trợ dạy nghề,… để khi họ trở về địa phương có công việc để ổn định cuộc sống, đem lại hiệu quả rất tích cực. Đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với quy định tại Điều 53 Luật Phòng Chống bạo lực gia đình, trong đó Hội LHPNVN được giao chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý và nhân rộng mô hình.
Tin, ảnh: Thu Hà