Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt phát biểu ý kiến tham gia dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Đại biểu tán thành với quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng tại dự thảo Luật, theo đó quy định cho phép áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn điều tra, thay vì phải kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm mới có thể được xem xét áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng như hiện nay. Quy định này cũng giúp rút ngắn thời gian tạm giam và đáp ứng yêu cầu tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em đó là “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”.
Bên cạnh đó, đại biểu tán thành với quy định về sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 15-NQ/TW và Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị, hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền với người chưa thành niên.
Về rút ngắn thời gian tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Quàng Thị Nguyệt nhất trí với quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc rút ngắn hơn nữa thời hạn này, thay vì quy định rút ngắn không quá 1/2 thời hạn vụ án với người lớn phạm tội để đảm bảo nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” được đề ra tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em và hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, tạm giam quá dài như hiện nay./.
Tin, ảnh: Mai Hồng