Nghiên cứu - Trao đổi  

Nghị quyết 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Điện Biên đã được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực

Cập nhật ngày 24/05/2024 09:09:44 AM - Lượt xem: 256

Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tính đến nay, toàn tỉnh có 486 cơ sở giáo dục và đào tạo với 7.540 lớp và 212.934 học sinh, sinh viên. Trong đó có 135 trường PTDTBT (gồm 73 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 62 trường PTDTBT TH và THCS và PTDTBT THCS) với 47.920 học sinh (cấp tiểu học: 25.111 học sinh, cấp THCS: 22.809 học sinh) và có 89 trường Phổ thông có học sinh bán trú (gồm 30 trường Tiểu học, 13 trường TH và THCS, 25 THCS và 21 trường THPT) được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND.


Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra Bếp nấu ăn cho học sinh bán trú tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Nội dung chính sách hỗ trợ

Căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016  của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và điều kiện thực tế của địa phương; HĐND tỉnh Điện Biên đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thời điểm áp dụng từ năm học 2017-2018. Các chính sách hỗ trợ bao gồm: (1) Hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; (2) Hỗ trợ gạo mỗi tháng 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; (3) Hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; (4) Đối với Trường phổ thông dân tộc bán trú và Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh; số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức, tuy nhiên không quá 5 lần định mức/tháng và không quá 9 tháng/năm học.

Một số kết quả đạt được

Sau khi Nghị quyết có hiệu lực áp dụng, hàng năm các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát, thống kê, xác minh thông tin học sinh, lập danh sách, hồ sơ học sinh theo từng điều kiện về khoảng cách địa lý, địa hình cụ thể. Hồ sơ được xem xét, thẩm định trung thực, khách quan, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách dựa trên các căn cứ thực tế nơi ở của từng học sinh. Quy trình, cách thức xác định khoảng cách, địa bàn học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày và xác định địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn tại các trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm theo quy định. Việc rà soát, phê duyệt bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách đủ điều kiện được thực hiện kịp thời theo quy định.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh từ năm học 2017-2018 đến năm học 2023-2024 đã đạt được kết quả tích cực, cụ thể như: Tổng số học sinh được hỗ trợ tiền ăn là 495.278 lượt học sinh (trong đó hỗ trợ địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn: 31.080 lượt học sinh). Tổng số học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở là 109.570 lượt học sinh (trong đó hỗ trợ địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn: 2.695 lượt học sinh). Tổng số học sinh được hỗ trợ gạo ăn là 494.737 lượt học sinh với 47.219.832 kg gạo.

Về hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung: Trên cơ sở quy định, văn bản hướng dẫn của cấp trên, các trường PTDTBT và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung đã thực hiện việc ký hợp đồng lao động tổ chức nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí được giao, các trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn toàn tỉnh đã hợp đồng với 3.060 nhân viên nấu ăn tập trung cho học sinh (trong đó: các trường tiểu học 1.528 người, các trường THCS 1.288 người, các trường THPT 244 người). Tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 (từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2024): 2.277.980,9 triệu đồng.

Trong 07 năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực, là điều kiện, nguồn lực quan trọng giúp giảm bớt nỗi lo chi phí ăn, ở của con em các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi trong độ tuổi đi học đối với các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn; góp phần nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Tỷ lệ phần trăm định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh thấp so với giá cả thị trường hiện nay; số lần định mức được hỗ trợ chưa phù hợp đối với những trường có tổng số học sinh bán trú ăn tập trung lớn hơn 150 người hoặc những trường có số học sinh ăn tập trung dưới 30 người, không đủ 1 định mức nên không được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tiền nhà ở đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú còn thấp, nhất là đối với những trường trên địa bàn các vùng thuận lợi, trung tâm thành phố có giá thuê nhà ở cao. Chưa có chế độ quản trú đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế tại trường có học sinh ở bán trú nhưng không phải là trường PTDTBT; (2) Việc cung cấp, vận chuyển gạo từ Cục dự trữ Quốc gia tới các địa phương còn quá chậm so với thời gian năm học của học sinh, gây khó khăn, bị động cho địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho học sinh; (3) Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc nấu ăn tập trung, chỗ ở của học sinh tại một số trường còn thiếu; nhiều công trình thiết yếu đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu; (4) Việc huy động các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh tham gia công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh trong việc hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh đôi khi còn chậm.

Các giải pháp chủ yếu

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh trong thời gian tới, các sở, ngành chuyên môn, UBND các cấp cần tích cực triển khai, thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ để người dân hiểu, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin của học sinh; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh trong việc hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh.

Thứ hai, hàng năm thực hiện rà soát, thống kê danh sách học sinh đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ; xem xét, thẩm định hồ sơ của học sinh đảm bảo trung thực, khách quan; thực hiện nghiêm túc quy trình, cách thức xác định khoảng cách, địa bàn học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày và xác định địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn tại các trường; thường xuyên rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện chính sách của các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT có học sinh được hưởng chính sách; kịp thời phát hiện chấn chỉnh và xử lý những sai phạm (nếu có).

Thứ tư, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT, các trường THPT có học sinh bán trú chưa đảm bảo các điều kiện cho học sinh như: nhà ở, giường nằm, bếp ăn, các công trình vệ sinh và nước sinh hoạt… theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.

Thứ năm, thực hiện việc cung cấp, vận chuyển gạo từ Cục dự trữ Quốc gia tới các địa phương đảm bảo thời gian theo đúng quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh.

Thứ sáu, cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ như: Tăng tỷ lệ phần trăm định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, khoán kinh phí nấu ăn tập trung để bảo đảm cho việc ăn, ở của học sinh và người phục vụ; Điều chỉnh tăng số lần định mức đối với các trường nấu ăn tập trung có hơn 150 học sinh trở lên; quy định thêm nội dung khoán 01 lần định mức nấu ăn cho học sinh đối với trường có từ 15 đến dưới 30 học sinh ăn bán trú; Có chế độ quản trú đối với giáo viên, nhân viên y tế tại các trường có học sinh ở bán trú nhưng không phải là trường PTDTBT./.

Lương Thị Hồng Nhung

Phó Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng
Giao chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW cần tính đến yếu tố đặc thù
Tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn khá cao
Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững
Nội dung cốt lõi 08 bài viết về việc “Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chi bộ Công tác Quốc hội và Thông tin dân nguyện, Đảng uỷ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh - Chi bộ bốn tốt
Nghị quyết số 43/2022/QH15 góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết của HĐND
Hiệu quả tham mưu, giúp việc công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn của công dân
Phát huy tinh thần trách nhiệm, theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị