Đồng chí Mùa Thanh Sơn, UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh có 486 cơ sở giáo dục và đào tạo, bao gồm: 169 trường Mầm non; 140 trường Tiểu học, 123 trường THCS, 33 trường THPT, 04 Trường Cao đẳng, 10 Trung tâm GDTX và GDNN-GDTX, 06 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, 01 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; với 7.540 lớp và 212.934 học sinh, sinh viên. Trong đó có 135 trường PTDTBT (73 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 62 trường PTDTBT TH và THCS và PTDTBT THCS) với 69.285 học sinh (cấp tiểu học: 43.792 học sinh, cấp THCS: 25.493 học sinh) và có 89 trường Phổ thông có học sinh bán trú được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND (30 trường Tiểu học, 25 trường THCS, 13 trường TH và THCS, 21 trường THPT). Tất cả các trường PTDTBT và các trường có học sinh được hưởng chế độ bán trú đều triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời nên nhận được sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng ở các cấp học.
Theo Báo cáo của Sở Tài chính, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho học sinh và hỗ trợ tiền ăn cho học sinh có khoảng cách địa lý, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn không thể đi đến trường và trở về trong ngày theo quy định tại Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND là 1.621.567,72 triệu đồng.
Đồng chí Thái Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát.
Các đại biểu tham gia buổi làm việc đều nhận định: Chính sách hỗ trợ theo học sinh và các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đem lại những hiệu quả thiết thực đối với các cơ sở giáo dục, học sinh ở vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các em học sinh yên tâm học tập, giảm bớt khó khăn khi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung và miền nùi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Song do Điện Biên là tỉnh biên giới, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp; một số trường có số học sinh nội trú lớn nhưng phòng ở nội trú còn thiếu, học sinh phải thuê trọ ngoài; một số công trình phụ trợ đã xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp; định mức hỗ trợ thuê nhân viên nấu ăn tập trung cho học sinh nội trú còn thấp nên khó tìm được người nấu ăn ổn định và lâu dài; chưa có chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên quản trú tại các trường có học sinh bán trú; giá cả thị trường biến động tăng cao trong khi mức hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà cho học sinh thấp…
Ghi nhận những thành tích đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua, cũng như những khó khăn do khách quan mang lại, đồng chí Mùa Thanh Sơn, UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiếp thu những kiến nghị của ngành để tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, chính sách cho phù hợp thực tế. Đồng thời, đề nghị ngành Giáo dục trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục để phát hiện những sai phạm, kịp thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách./.
Tin, ảnh: Nguyễn Dung