Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt
Chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên Phủ, Thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đóng góp cho Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chương trình gặp mặt sẽ được tổ chức rộng khắp ở hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước để cùng nhau nhắc nhớ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ và tuyên truyền, giáo dục truyền thống để mọi thế hệ người Việt Nam tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại tỉnh Điện Biên, Chương trình gặp mặt đã vinh dự được đón tiếp 139 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đến từ các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Bác Dương Chí Kỳ - Chiến sỹ thuộc Đại Đoàn 316 phát biểu tại buổi gặp mặt
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt bác Bùi Kim Điều chiến sĩ thuộc Đại đoàn 312 (hiện đang sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ) và bác Dương Chí Kỳ chiến sỹ thuộc Đại Đoàn 316 (hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ hồi ức về những ngày tháng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong bài phát biểu của mình, các chiến sĩ Điện Biên bày tỏ sự xúc động khi được trở lại Điện Biên Phủ, thăm chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội và thắp nén tâm nhang viếng các anh hùng liệt sĩ.
Bác Dương Chí Kỳ bày tỏ “Thế hệ những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, trong kháng chiến luôn giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” mà Bác Hồ đã gửi tặng và trong những năm tháng thời bình, chúng tôi vẫn luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Với tinh thần, khí thế của tuổi trẻ, chúng tôi đã sống, cống hiến và trưởng thành. Rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống nơi đây, đã để lại một phần cơ thể trong cuộc chiến tranh, cho hoà bình và sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Vì vậy, tôi mong muốn thế hệ trẻ Hồ Chí Minh, con cháu các dân tộc Tây Bắc nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung hãy nhớ về những bài học lịch sử, học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa quê hương, đất nước mình ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng hơn”.
Tham dự Chương trình gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời thăm hỏi ân cần, tri ân sâu sắc và chúc mừng tới tất cả chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung đã góp sức làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thủ tướng khẳng định “Đã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no”.
Đại biểu tham dự buổi gặp mặt chụp ảnh lưu niệm với các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Tuy nhiên, một bộ phận người có công với cách mạng đời sống vẫn còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính… Đồng chí đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để thúc đẩy, khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, khát vọng cống hiến cho non sông, tổ quốc; (2) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công với cách mạng. Quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa, gia đình người có công ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và vùng dân tộc ít người; (3) Tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tích cực ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình khó khăn cải thiện cuộc sống; không được để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; (4) Đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng, nhất là trong sản xuất, kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể; (5) Chú trọng xây dựng và chỉnh trang cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính để trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc cho các thế hệ sau; (6) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý dữ liệu thông tin, hình ảnh, kỷ vật về các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, xác định ADN đối với các trường hợp liệt sĩ chưa rõ thông tin./.
Tin, ảnh: Mai Hồng - Thu Trang