Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo
Giảm 12,39% đơn vị sự nghiệp công lập
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên tính đến ngày 31/12/2023 là 594 đơn vị. So với năm 2017, giảm 84 đơn vị, đạt 12,39%, trong đó: lĩnh vực giáo dục - đào tạo giảm 48 đơn vị; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 01 đơn vị; lĩnh vực y tế giảm 17 đơn vị; lĩnh vực thông tin và truyền thông giảm 10 đơn vị; lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch tăng 08 đơn vị; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác giảm 16 đơn vị. Nhìn chung, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, cơ cấu hợp lý theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm mạnh đầu mối; cơ bản đã khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp về nhiệm vụ; bảo đảm theo đúng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước. Giai đoạn 2015-2021 tỉnh đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu yêu cầu về giảm số lượng đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập đề ra tại Nghị quyết 19-NQ/TW.
Về thực hiện mục tiêu tự chủ tài chính theo Nghị quyết 19-NQ/TW, đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 8/594 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đơn vị (1,35%), 11/594 đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (1,85%), 38/594 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (6,40%), 537/594 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (90,4%). Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập đã bước đầu giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả. Công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực xây dựng, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công.
Tính đến 31/12/2023, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 20.612 người. So với năm 2017 số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 2.346 người, đạt 10,57%.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 gặp nhiều khó khăn
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020 đối với tỉnh Điện Biên là rất khó khăn.
Theo số liệu cho thấy, thời gian qua việc giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh phần lớn thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong khi Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên việc sáp nhập một số trường để hình thành trường liên cấp chưa thực sự phù hợp. Việc sáp nhập các trường chỉ thực sự hiệu quả khi thực hiện đồng bộ với việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ viên chức, tuy nhiên hiện nay khi sáp nhập hầu hết các trường vẫn tận dụng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của trường cũ, gần như các cấp học vẫn học ở địa điểm cũ. Việc thu gọn các điểm trường cũng cần phải tính toán, nếu thu gọn hết các điểm trường, đưa học sinh về trung tâm thì học sinh đi lại rất vất vả, có điểm trường cách xa trung tâm đến 20km. Cơ sở vật chất tại trường trung tâm chật hẹp, không đáp ứng được, trong khi cơ sở vật chất tại các điểm trường đã được đầu tư…
Số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo được giao chưa đủ so với định mức quy định nhưng vẫn phải thực hiện tinh giảm 10% biên chế so với số lượng biên chế hiện có đã gây khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, năm học 2023-2024, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Điện Biên thiếu 1.920 người làm việc so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó thiếu 1.464 giáo viên (cấp mầm non: 848; cấp tiểu học: 216; cấp trung học cơ sở: 180; cấp trung học phổ thông: 220) và thiếu 456 biên chế thuộc vị trí việc làm chuyên môn dùng chung.
Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên còn thấp, do không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp và không ổn định. Phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, mức thu nhập của đa số người dân trên địa bàn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công rất khó khăn. Hiện tại, toàn tỉnh có 09 đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ, trong đó: lĩnh vực giáo dục có 07 đơn vị gồm 02 trường mầm non và 05 trung tâm ngoại ngữ; lĩnh vực y tế có 02 cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, quy mô của các đơn vị này cũng rất nhỏ.
Việc giao chỉ tiêu cần tính đến yếu tố đặc thù
Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định, việc giao chỉ tiêu giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước và phấn đấu tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập cho tất cả các địa phương, đơn vị trong cả nước mà chưa tính đến yếu tố đặc thù là chưa thực sự phù hợp. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá cụ thể nội dung này. Khi giao chỉ tiêu cho các địa phương cần tính toán đến các yếu tố đặc thù như khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội, khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng xã hội hoá dịch vụ công...
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương theo thẩm quyền sớm ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế liên quan đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công như: tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình giá dịch vụ được tính đủ chi phí làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xác định mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công...
Bài ảnh: Mai Hồng