Đồng chí Giàng Thị Hoa, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Tiếp nối các hoạt động "Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm cụ thể chủ trương của Đảng, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, trong nhiều nhiệm kỳ, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, gắn với phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Toạ đàm, giao lưu khách mời chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm về phát huy tập tục văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới
Về phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hầu hết các mô hình/hoạt động tập trung vào 3 nhóm: Nhóm mô hình/hoạt động gắn với văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hoá gắn với làng nghề truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động về phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đó, nhóm mô hình gắn với "văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống" chiếm khoảng 82,6% tổng số các mô hình/hoạt động và được triển khai đều ở cả 3 khu vực DTTS trọng điểm trong cả nước. Nổi bật là các CLB đàn tính, then, hát dân ca sli, hát lượn, múa sinh tiền, đánh pao, ném còn, thổi khèn môi của phụ nữ DTTS Thái, Mường, Mông, Tày, Dao… ở khu vực miền Bắc tại các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình…). Ở khu vực Miền Trung, Tây nguyên như Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk… các mô hình lại mang đậm bản sắc của đồng bào và phụ nữ DTTS Pa Kô, Cơ tu, Cor, Hre, Banar, Gia-rai, Êđê như đàn bầu, biểu diễn vinh-vút, biểu diễn cà đáo, cồng chiêng, múa xoang… Ở khu vực Nam Bộ, các mô hình của đồng bào dân tộc Khmer như đua ghe ngo nữ, CLB Dù kê (kịch hát truyền thống) chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có các Tổ dân vũ hoạt động mạnh tại các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…Bên cạnh đó, nhóm hoạt động duy trì bảo tồn, phát huy "văn hoá, gắn với làng nghề truyền thống" hiện có khoảng 62 mô hình. Nhóm hoạt động gắn với phát triển du lịch cộng đồng hiện có khoảng 55 mô hình, chủ yếu là mô hình homestay (cơ sở lưu trú tại nhà dân) và farmstay (ở cùng nông dân và tham gia trồng trọt).
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Giàng Thị Hoa, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định Hội thảo hôm nay là nội dung rất có ý nghĩa, phù hợp và cần thiết; là dịp để Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trong cả nước trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp thực sự hiệu quả trong công tác tuyên truyền, trong việc giữ gìn và phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội./.
Tin, ảnh: Hoàng Ngân