Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chủ trì buổi làm việc
Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vi ̣sự nghiêp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghi ̣quyết số 15-NQ/TU ngày 16/3/2018 của Ban Thường vu ̣Tỉnh ủy và Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn ngành và ban hành kế hoạch cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.
Theo đó, thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2015-2023 số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 08 đơn vị, đạt tỷ lệ 17,8%, vượt 7,8% so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, đã sáp nhập 07 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện và giải thể Trung tâm Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Số lượng đầu mối bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo giảm 114 đầu mối. Số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 08 người. Số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 434 người, đạt tỷ lệ 19,9%, vượt 9,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng còn rất nhiều khó khăn. Với quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng đáng kể so với các năm học trước, yêu cầu về chất lượng dạy và học ngày càng cao, song giai đoạn 2022-2025 vẫn phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giảm đầu mối và tinh giản biên chế theo quy định. Mặt khác, với đặc thù là tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc xã hội hoá giáo dục rất hạn chế. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 02 trường mầm non tư thục và 05 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập, tập trung ở vùng thuận lợi là thành phố Điện Biên Phủ.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo, làm rõ một số nội dung như: đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong giai đoạn vừa qua; kết quả rà soát, sắp xếp và tinh giản biên chế đối với chức danh kế toán, y tế học đường và các chức danh bảo vệ, nhân viên trực thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; việc xây dựng Đề án nâng cao chất lượng Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên các cấp học trong tỉnh; việc xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp đối với viên chức theo thẩm quyền...
Đại diện lãnh đạo Sở và lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo đã giải trình, làm rõ các nội dung thành viên đoàn giám sát nêu, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền giao đủ biên chế theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không cắt giảm biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo vì hiện nay ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên chưa được giao đủ biên chế theo định mức; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh trên địa bàn...
Tin, ảnh: Mai Hồng