Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên
Năm 2023, ngành y tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân viên ngành y tế, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương... công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Ngành y tế thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao năm 2023 (đạt 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân; 32 giường bệnh trên 10.000 dân; 93,2% dân số tham gia BHYT), thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao.
Thể chế chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách phát triển dài hạn của ngành y tế. Các văn bản được ban hành đã tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị y tế. Nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án quan trọng cho phát triển trung hạn, dài hạn của ngành y tế đã được xây dựng, hoàn thiện.
Đại dịch COVID-19 được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ 20/10/2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; đẩy mạnh phòng chống bệnh không lây nhiễm... Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện đồng bộ. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế và khó khăn như: hệ thống văn bản pháp luật chưa đầy đủ và còn vướng mắc; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế; tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và một số tỉnh, thành chưa được khắc phục triệt để; năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế...
Năm 2024, để thực hiện mục tiêu: phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế, Bộ Y tế đã đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành; cung ứng dịch vụ y tế; truyền thông và thông tin y tế; dược, trang thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng y tế; đào tạo nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tài chính y tế.
Đồng thời, trong báo cáo, Bộ Y tế cũng đã đề xuất Quốc hội tiếp tục tăng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành làng pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành và kiểm tra giám sát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp để đôn đốc và có các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực y tế.
Đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện đồng bộ công tác y tế, đặc biệt là công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh. Ban hành cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực y tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế./.
Tin, ảnh: Mai Hồng