Đại biểu Mùa Thị Dính chất vấn Giám đốc Sở Y tế tại kỳ họp thứ Mười ba, HĐND tỉnh khoá XV
Chất vấn Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Phú Đức và đại biểu Mùa Thị Dính cho biết, năm 2023 số vụ, số ca ngộ độc thực phẩm tăng so với năm 2022. Năm 2024 Điện Biên tổ chức Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên (10/10/1949-10/10/2024); Năm du lịch Quốc gia- Điện Biên và chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hoá... Đồng chí có giải pháp gì để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho du khách và Nhân dân trên địa bàn.
Trả lời chất vấn về nội dung trên, Giám đốc Sở Y tế, Phạm Giang Nam khẳng định, nỗi trăn trở băn khoăn của đại biểu Mùa Thị Dính, đại biểu Nguyễn Phú Đức và của đông đảo cử tri cũng là trăn trở của ngành y tế, của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp.
Giám đốc Sở Y tế thông tin, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 05/12/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 ca mắc và 01 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 có 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 ca mắc). Nguyên nhân các ca mắc chủ yếu do nhiễm vi sinh vật trong bún tươi. 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xác minh, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm kịp thời. Không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Phú Đức chất vấn Giám đốc Sở Y tế tại kỳ họp thứ Mười ba HĐND tỉnh khoá XV
Về giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, thời gian tới ngành y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Hai là, nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ba là, tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ tỉnh tới huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn. Phát hiện sớm, điều tra, xử trí kịp thời các vụ ngộ độc trong cộng đồng, tổ chức tốt công tác cấp cứu điều trị hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Bốn là, phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm. Cụ thể, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm tới các nhóm đối tượng đích, gồm: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn các văn bản quy định hiện hành về an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp và cán bộ, mạng lưới an toàn thực phẩm tại các địa bàn…
Liên quan đến nội dung tiêm chủng vắc xin, đại biểu Nguyễn Phú Đức thông tin, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 có đánh giá, mục tiêu tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 50%. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết, nguyên nhân số trẻ em chưa được tiêm? Số trẻ em còn lại bao giờ được tiêm? Việc tiêm một số loại vắc xin quá tuổi quy định, quá lịch tiêm có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh không?
Trả lời chất vấn về nội dung này, Giám đốc Phạm Giang Nam cho biết, nguyên nhân trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin là do thiếu vắc xin SII (Phòng 5 bệnh: Hạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, viêm phổi do Hib) từ tháng 2 năm 2023 đến nay. Chỉ tính năm 2023, SII thiếu khoảng 25.000 liều vắc xin cho hơn 7.000 trẻ. Hiện tại Trung ương đang hoàn thiện các thủ tục để mua sắm vắc xin SII, dự kiến trong quý I/2024 sẽ có vắc xin để cung ứng cho các địa phương triển khai tiêm cho trẻ.
Đối với việc tiêm một số loại vắc xin quá tuổi, quá lịch quy định, theo Quyết định số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi, đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm bắt buộc quy định các thành phần của vắc xin SII chỉ được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin SII có thể triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Thực tế trong những năm trước đây và năm 2023 Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo cho việc triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, trong đó có chỉ đạo tiêm vét, tiêm bù vắc xin SII cho trẻ trên 1 tuổi và vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn tiêm chủng cho trẻ. Như vậy, khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin đầy đủ, có văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiêm, vét, tiêm bù cho trẻ bị bỏ lỡ trong thời gian thiếu vắc xin, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai tiêm bù cho trẻ nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin trong tiêm chủng mở rộng./.
Tin, ảnh: Mai Hồng