Đại biểu Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an
phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 09/11
Đồng chí Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật này. Đồng thời đại biểu đã có một số ý kiến tham gia như sau:
Đại biểu không nhất trí với việc đổi tên toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án nhân dân cấp huyện thành toà án phúc thẩm và toà án sơ thẩm bởi: (1) Việc đổi tên nhưng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Toà án không thay đổi, chưa phân cấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Toà án nhân dân sơ thẩm mà Toà án nhân dân phúc thẩm vẫn sẽ xét xử sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 55 Dự thảo Luật). Như vậy việc đổi tên này không đảm bảo khẳng định đúng bản chất là các “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”; (2) Không cụ thể hóa được ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019 đó là: “Các Tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.”; (3) Lãng phí ngân sách dành cho việc đổi tên (thay con dấu, biển tên cơ quan); (4) Người dân đang quen với tên gọi hiện hành của Toà án nhân dân (cấp huyện, cấp tỉnh).
Đại biểu cho rằng việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, mà không thay đổi về nội dung. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử”. Bên cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân…). Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh như quy định của Luật hiện hành.
Đại biểu Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 09/11
Về vấn đề có hay không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, đại biểu Lò Thị Luyến nhất trí với ý kiến không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, nhất trí với quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tại dự thảo Luật.
Ngoài ra đại biểu còn tham gia vào một số nội dung cụ thể như: Chế độ, chính sách đối với Thẩm phán (Điều 101); Bảo vệ Thẩm phán (Điều 102); Trách nhiệm của Thẩm phán (Điều 103); Xử lý Thẩm phán vi phạm pháp luật (Điều 105); Thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán (Điều 109) và việc sử dụng từ ngữ trong kỹ thuật văn bản quy phạm.
Nhất trí với phát biểu của đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, ĐBQH tỉnh cho biết thêm việc đổi tên toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án nhân dân cấp huyện thành toà án phúc thẩm và toà án sơ thẩm nhưng không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giống như “bình mới nhưng rượu cũ”, hơn nữa việc đổi tên còn dẫn đến việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự...
Dự thảo Luật quy định về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt nhưng chưa rõ ràng, nhiệm vụ thì tương tự như tòa án nhân dân sơ thẩm và chỉ giải quyết các vụ án đặc thù. Hiện nay, cơ cấu tổ chức tòa án gồm tòa hình sự, tòa dân sự, tòa hành chính... đều mang tính chuyên biệt, như vậy việc quy định thêm tòa án riêng, độc lập là tòa án sơ thẩm chuyên biệt theo đại biểu là không cần thiết, hơn nữa còn có thể phát sinh tổ chức bộ máy, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Đại biểu cũng tán thành với quy định không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Tin, ảnh: Thu Hà