Tin tức & sự kiện  

HĐND huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND hai cấp huyện - xã năm 2023

Cập nhật ngày 23/06/2023 11:30:53 AM - Lượt xem: 256

Ngày 21/6, Hội đồng nhân dân huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND hai cấp huyện - xã năm 2023, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề "Đổi mới nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND; nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề; Công tác thẩm tra của các Ban HĐND”. Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên và đồng chí Lò Minh Hải - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện chủ trì Hội nghị.


Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu khai mạc Hội nghị

Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Xuân Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; các đồng chí Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các Ban HĐND huyện, Đại biểu HĐND huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó Ban các Ban HĐND 21 xã thuộc huyện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong hoạt động của HĐND các cấp trong nửa nhiệm kỳ (2021-2026) vừa qua. Đồng thời thẳng thắng chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trao đổi, tích cực thảo luận một số nội dung liên quan trong công tác thẩm tra các báo cáo, Đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND; việc tổ chức kỳ họp HĐND, trong đó tập trung vào nội dung chuẩn bị kỳ họp, điều hành kỳ họp, chất vấn và trả lời chất vấn, ban hành nghị quyết sau kỳ họp; hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND…

Đồng chí Lò Thị Dương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh An tham luận về công tác thẩm tra tại Hội nghị

Tại Hội nghị Thường trực HĐND 2 cấp huyện - xã các đại biểu đã tham luận, trao đổi, thảo luận những nhóm vấn đề như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra của các Ban HĐND; Đổi mới nâng cao chất lượng các Kỳ họp HĐND; Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Các tham luận có sự đầu tư, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động của HĐND hai cấp huyện - xã.

Phát biểu Bế mạc Hội nghị, đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu; các tham luận, ý kiến thảo luận tại hội nghị, đồng thời thông tin làm rõ ý kiến thảo luận; thông tin chia sẻ kinh nghiệm một số địa phương đối với hoạt động của HĐND. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa trong công tác của HĐND, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thống nhất một số giải pháp sau:

 Một là: Về công tác thẩm tra của các Ban HĐND: Các ban HĐND cần xác định thẩm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Ban HĐND. Kết quả thẩm tra là cơ sở để đại biểu HĐND thảo luận, quyết nghị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi cao của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Tăng cường công tác khảo sát, tập trung nghiên cứu tài liệu phục vụ hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND, tiếp tục đổi mới hoạt động thẩm tra theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Chủ động tiếp cận thông tin từ khâu soạn thảo, tham gia khi cơ quan soạn thảo trình tại các phiên họp của UBND, từ đó xác định các vấn đề trọng tâm cần tập trung thẩm tra, xem xét... Tổ chức họp thẩm tra theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Trong quá trình họp thẩm tra cần trao đổi, thảo luận, làm rõ và thống nhất những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những nội dung cần trình xin ý kiến của HĐND tại kỳ họp.

Đồng chí Lò Văn Phóng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện tham luận về nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND

Nội dung báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ ý kiến của Ban về các vấn đề theo luật định; đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, Ban cần có đề xuất phương hướng, biện pháp cụ thể để các đại biểu HĐND có thêm thông tin, cơ sở để xem xét quyết nghị tại kỳ họp.

Hai là: Về đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND: Cần bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định của pháp luật có liên quan. Nghiên cứu, tiếp tục cải tiến, đổi mới, sắp xếp khoa học, hợp lý chương trình kỳ họp; giảm thời gian trình bày văn bản (trình bày tóm tắt nội dung của báo cáo, tờ trình; các thông tin chi tiết, phụ lục, biểu kèm theo đề nghị đại biểu tự nghiên cứu) tăng thời gian thảo luận, chất vấn tại kỳ họp; việc trình bày dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp HĐND vừa bảo đảm trình tự theo quy định, nhưng linh hoạt, khoa học trong chương trình kỳ họp. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND. Việc điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp phải linh hoạt, sáng tạo, chủ động, có tranh luận để làm rõ trách nhiệm, biện pháp, thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có) trên tinh thần xây dựng. Thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn theo quy định.

Ba là: Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề: Thường trực HĐND cần phải thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hòa các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để hoạt động giám sát có hiệu lực, hiệu quả, không trùng lặp về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm giám sát; hạn chế tối đa nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động của chủ thể chịu sự giám sát. Bám sát các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND; nghiên cứu, đổi mới hình thức tổ chức giám sát chuyên đề, từ việc lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, phân công các Ban HĐND và đại biểu nghiên cứu nội dung giám sát, xác định đối tượng giám sát...Trong quá trình giám sát, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về giám sát chuyên đề.

Báo cáo giám sát cần đánh giá được toàn diện vấn đề giám sát, nghị quyết, kết luận giám sát phản ánh cụ thể kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất cụ thể và thời gian yêu cầu khắc phục, giải quyết. Sau giám sát phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của UBND, các cơ quan, đơn vị. Khi cần thiết có thể thực hiện giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động giám sát, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng giám sát, kỹ năng phân tích báo cáo cho đại biểu HĐND; nâng cao trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát.

Bốn là: Về kiến nghị Thường trực HĐND huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND xã. Thường trực HĐND huyện tiếp thu, xem xét tổ chức tập huận trong thời gian sớm nhất./.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam- Phòng Văn hoá huyện Điện Biên

 


Tin liên quan
Tổ giám sát số 1, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh giám sát thực tế tại Trung tâm Quản lý đất đai thành phố và phường Noong Bua
Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại huyện Điện Biên
Tăng thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước để đảm bảo tính khả thi
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo
Gặp mặt kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí tỉnh Điện Biên lần thứ I
Khảo sát, nắm tình hình phục vụ công tác thẩm tra nội dung trình kỳ họp thứ Mười một HĐND tỉnh, khoá XV
Dự kiến có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên toàn quốc
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước
HĐND tỉnh Điện Biên: long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự