Nghiên cứu - Trao đổi  

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Cập nhật ngày 16/06/2023 11:15:02 AM - Lượt xem: 256

Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, HĐND huyện đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.


Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín HĐND huyện Điện Biên Đông, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TG

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của HĐND huyện đã có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác tổ chức kỳ họp của HĐND huyện tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, bảo đảm hợp lý, khoa học cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng theo hướng “thực chất và hiệu quả”. Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, kỹ lưỡng. Hoạt động tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới, giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian cho hoạt động chất vấn, thảo luận, tăng thời gian để UBND huyện và các ngành tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung đại biểu đặt ra. Các nghị quyết được thẩm tra kỹ lưỡng. Cùng với đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hướng lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó, định lượng tiến độ cụ thể để yêu cầu UBND huyện và các cơ quan liên quan của huyện thực hiện, thông qua đó nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và được HĐND huyện thông qua với tỷ lệ thống nhất cao.

Công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND được xây dựng khoa học, bám sát thực tiễn; các nội dung giám sát tập trung việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội điểm của huyện, những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Phương pháp giám sát đã có những cải tiến, báo cáo giám sát nêu rõ các vấn đề làm được, những việc chưa làm được, giúp cho các cấp, các ngành thấy được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND huyện.

Hình thức giám sát gồm xem xét báo cáo công tác của các đối tượng thuộc quyền giám sát,  xem xét việc trả lời chất vấn, xem xét việc giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND của những đối tượng này; nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; tổ chức các đoàn giám sát; bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu; thông qua việc tiếp dân và theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND; tiếp xúc cử tri. Các chế tài của giám sát đó là HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ  chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các đối tượng giám sát có hành vi vi phạm; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp nếu các văn bản đó trái pháp luật, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng quốc phòng - an ninh; bãi nhiệm, miễn nhiệm, đối với các chức danh do HĐND bầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND huyện vẫn còn một số hạn chế như: HĐND huyện chưa triển khai được kỳ họp không giấy tờ; hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND thực hiện chưa nhiều, chủ yếu tập trung chất vấn tại kỳ họp HĐND; chưa tổ chức được nhiều hoạt động giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện; tại nhiều điểm tiếp xúc cử tri, thành phần cử tri chủ yếu là cán bộ cấp xã, bản, rất ít cử tri là người dân và các thành phần khác; hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu là trước và sau các kỳ họp thường lệ mà chưa tổ chức được các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:

- Khẳng định vị thế, vai trò của Thường trực HĐND trong công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp với UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp trong việc đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện. Tăng số lượng cấp ủy cùng cấp trong Thường trực và Ban của HĐND; tạo điều kiện thuận lợi để HĐND thực hiện và phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Đầu tư trang thiết bị và nâng cao khả năng ứng dụng CNTT cho các đại biểu HĐND, để triển khai “kỳ họp không giấy” qua việc sử dụng phần mềm để truy cập tài liệu và biểu quyết điện tử thông qua nghị quyết.

- Nâng cao nhận thức và vai trò của đại biểu HĐND, người bị chất vấn và người giải trình về hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và các đơn vị có liên quan trong việc trực tiếp tham dự, giải trình các nội dung, vấn đề được đặt ra theo đề nghị của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND. Yêu cầu nội dung trả lời phải đúng trọng tâm, ngắn gọn, không vòng vo né tránh; phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập. Ngoài việc trả lời tại phiên chất vấn, giải trình, người được chất vấn, giải trình phải trả lời bằng văn bản để đại biểu HĐND thông tin lại cho cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri.

- Tăng cường công tác theo dõi đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát của HĐND huyện thông qua việc hệ thống hóa và phân công theo dõi việc thực hiện; phân công, giao theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND - UBND chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện. Các báo cáo giám sát, tái giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND huyện đều được gửi đến Thường trực Huyện ủy, các cơ quan liên quan như Ban Tổ chức Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và các cơ quan của UBND như Thanh tra huyện, Phòng Nội vụ huyện để theo dõi quá trình thực thi công vụ của các cơ quan, cá nhân liên quan. Trong trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị hợp lý của chủ thể giám sát thì Thường trực HĐND huyện kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu của cơ quan đó.

- Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri,  ngoài việc tiếp xúc cử tri định kỳ theo luật định, cần mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo đối tượng... Lịch tiếp xúc cử tri phải được thông báo công khai, rộng rãi để mọi cử tri có nhu cầu có thể tham dự. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nhất là cấp huyện phải tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện khi có yêu cầu để trả lời, giải trình những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình trước cử tri. Đối với những vấn đề chưa giải quyết ngay được thì cần phải xác định lộ trình cụ thể. Tổ đại biểu và các đại biểu trong Tổ giám sát kết quả trả lời kiến nghị của cử tri đến khi được xử lý thỏa đáng./.

Mùa A Vảng Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTVTU,

 Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên Đông

 

 


Tin liên quan
Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp thực hiện giám sát chuyên đề
Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề
Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng