Tin tức & sự kiện  

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Cập nhật ngày 09/06/2023 11:21:12 AM - Lượt xem: 256

Sáng nay 09/6, tại trụ sở UBND tỉnh, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh Điện Biên (09/6/1963 - 09/6/2023). Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đọc diễn văn Kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh. Cổng Thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh.


Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đọc diễn văn Kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh Điện Biên

Kính thưa: Đ/c Trần Quốc Cường UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;

Kính thưa: Các quý vị đại biểu, Thưa toàn thể các đồng chí. 

Hôm nay, trong không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc, chiến sỹ các lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2024), 115 năm ngày thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2024), 75 năm ngày thành lập Đảng Bộ tỉnh (10/10/1949 – 10/10/2024); Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử đầu tiên Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên (09/6/1963-09/6/2023), trước đây là tỉnh Lai Châu. Nhân dịp này, thay mặt HĐND tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐB QH & HĐND tỉnh qua các thời kỳ, các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm. Xin kính chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Kính thưa Quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!

Ngày 09/6/1963, tỉnh Lai Châu tiến hành bầu cử HĐND tỉnh khoá I, nhiệm kỳ 1963-1965, đánh dấu sự ra đời của HĐND tỉnh Lai Châu (nay là HĐND 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu), đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cuộc bầu cử HĐND khoá I thành công tốt đẹp, với 97,7% số cử tri đi bầu cử, đã bầu ra 59 đại biểu tiêu biểu cho mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Sau thành công của cuộc bầu cử, ngày 04/7/1963, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I đã long trọng Khai mạc kỳ họp thứ nhất. Kể từ năm 1963 đến nay, HĐND tỉnh đã có 60 năm phát triển tổ chức và hoạt động, với nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh Lai Châu trước đây, nay là tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ (như trong phóng sự các đ/c vừa xem). Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tôi xin báo cáo thêm để các đ/c rõ hơn sự hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng của đại biểu HĐND tỉnh trong 60 năm qua.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1963 -1975, tỉnh Lai Châu mới tái thành lập còn nhiều khó khăn: kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, lạc hậu, phân tán, mang nặng tính tự cấp, tự túc; công nghiệp chưa có; giao thông kém phát triển, nhiều huyện, xã chưa có đường ô tô; tỷ lệ người dân không biết chữ cao, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại; đội ngũ cán bộ của tỉnh còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, nhưng dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh từ khoá I đến khoá V đã quyết định các biện pháp đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi; củng cố và phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp, hình thành hệ thống các xí nghiệp công nghiệp, nông, lâm trường, hệ thống mậu dịch quốc doanh; thực hiện cuộc vận động định canh, định cư; phát động phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc; củng cố, phát triển sự nghiệp y tế, mở trường đào tạo cán bộ y tế; Quyết định các nhiệm vụ về công tác quốc phòng, an ninh, chuyển công tác của tỉnh sang trạng thái thời chiến, thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Sau khi thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, giai đoạn 1976 - 2003 trong tình hình khó khăn chung của cả nước, với kinh tế có xuất phát điểm thấp, nên sau gần 30 năm xây dựng, Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, sản xuất vẫn mang nặng tính tự cấp, tự túc; nguồn ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương. Trước những khó khăn, hạn chế đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng và thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tài chính ngân sách, y tế, văn hoá, giáo dục, giao thông, quản lý đất đai, chính sách đối với cán bộ; thực hiện phân cấp thu, chi ngân sách địa phương; điều chỉnh địa giới hành chính; chia tách, mở rộng, thành lập mới một số huyện, xã. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ Mười, khoá XI, từ ngày 23/7 đến ngày 25/7/2003, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc đề nghị Quốc hội quyết nghị chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, tạo tiền đề phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Từ 2004 đến nay, ngay sau khi chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên, việc xác định những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu, được Cấp uỷ, chính quyền tỉnh Điện Biên đặt ra, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phân tích, dự báo tình hình, đề ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; phát huy truyền thống đoàn kết trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển; Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện có hiệu quả, thiết thực việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, HĐND tỉnh đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều nghị quyết để cụ thể hóa các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa XI, XII, XIII, XIV, như: thông qua Quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực; ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; chính sách đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; quyết định các biện pháp an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phát huy bản sắc văn hoá và sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia. Các quyết sách của HĐND tỉnh bảo đảm các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, chấp hành.…. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư…. Đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng GRDP khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ dần được nâng lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 1.599 tỷ đồng; Quý I/2023 đạt 432 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2022 đạt 17.547 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân được thực hiện hiệu quả. Sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hoá thể thao, phát thanh, truyền hình, thông tin, truyền thông được tập trung chỉ đạo thực hiện, chất lượng ngày càng nâng lên; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy tốt; công tác đối ngoại được tăng cường; an ninh chính trị, quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. 

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Kể từ những ngày đầu hình thành tổ chức và đi vào hoạt động đến nay, HĐND tỉnh Điện Biên đã trải qua 60 năm với 15 khóa. Trong suốt chặng đường đó, HĐND tỉnh đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chất lượng Đại biểu HĐND ngày càng được nâng cao, thực hiện tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

HĐND khoá I, nhiệm kỳ (1963-1965) có 59 vị đại biểu của 18 dân tộc, trong đó, trình độ văn hóa cấp I: 72,4%, cấp II: 24,2 %, đại biểu chưa biết chữ 3,4%; đại biểu là Đảng viên 69.5%, là phụ nữ 22%, đại biểu cơ sở 54%, đại biểu trẻ tuổi 28%. Đến nay, HĐND khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 có 52 đại biểu, trong đó, trình độ chuyên môn: Đại học 96,16%, trong đó, sau Đại học 59,62%, dưới Đại học 3,84%; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân 9,62%, Cao cấp: 73,08%, Trung cấp 3,85%, chưa qua đào tạo 13,45%; đại biểu là Đảng viên 88,46%, là phụ nữ 34,62%, là người dân tộc thiểu số 57,69%; đại biểu trẻ tuổi 21,15%.

Từ khóa I đến khóa VIII, việc triệu tập và chủ tọa các kỳ họp Hội đồng nhân dân do Uỷ ban hành chính tỉnh đảm nhiệm. Từ khóa IX đến khoá XIII, HĐND tỉnh có Thường trực HĐND tỉnh, gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND và Ủy viên thư ký, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. Khoá XIV, Thường trực HĐND tỉnh có 8 đại biểu, gồm: Chủ tịch HĐND, 02 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh là 04 Trưởng Ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND. Khoá XV, Thường trực HĐND tỉnh có 06 đại biểu hoạt động chuyên trách, gồm: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 04 Trưởng Ban của HĐND. Để giúp HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ, HĐND tỉnh thành lập các Ban khác nhau, như: Ban Kế hoạch, Ban Tài chính, Ban vệ sinh phòng bệnh, Ban Giáo dục phổ thông; Ban Kinh tế kế hoạch và ngân sách, Ban văn hóa xã hội, Ban Quân sự trị an; Ban Lưu thông phân phối; Ban Biên giới vùng cao; Ban Pháp chế, Ban Dân tộc, Ban Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng, Ban Biên giới và Ban Thư ký; Thành viên các Ban của HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm. Đến nay, HĐND tỉnh khoá XV có 04 Ban, gồm: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế và Ban Dân tộc; mỗi Ban có 07 thành viên, gồm: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng Ban là ĐB hoạt động chuyên trách và 05 Ủy viên là ĐB hoạt động kiêm nhiệm.

Như vậy, có thể khẳng định qua 60 năm tổ chức và hoạt động, cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND tỉnh thường xuyên được đổi mới, không ngừng hoàn thiện; chất lượng đại biểu HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đại biểu có trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn cao ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phương thức hoạt động của HĐND tỉnh không ngừng được đổi mới. Từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2026 đến nay, HĐND tỉnh Điện Biên Khoá XV đã tổ chức thành công 10 kỳ họp, ban hành 175 Nghị quyết, trong đó có 38 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Tại mỗi kỳ họp thường lệ những nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; dự toán và phân bổ dự toán ngân sách; kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh được đưa ra thảo luận, trao đổi, tạo sự thống nhất cao trước khi đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết. Các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề có nhiều vướng mắc, nổi cộm được cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao. Hoạt động giám sát được duy trì và thường xuyên đổi mới về cách thức giám sát; nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện các chính sách, pháp luật có tác động lớn, diện rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện an sinh xã hội, đời sống nhân dân và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Trong suốt chặng đường 60 năm hoạt động, HĐND tỉnh qua mỗi nhiệm kỳ đã phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất cao trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; thường xuyên bám sát các nghị quyết của TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh để cụ thể hóa thành các Nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giải quyết những vấn đề cấp bách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng phát triển. HĐND tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang tại địa phương. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND từng bước được nâng lên và thực chất hơn qua từng nhiệm kỳ. Thành công đạt được cũng như những hạn chế đã được HĐND tỉnh tổng kết, rút kinh nghiệm trong mỗi nhiệm kỳ. Những bài học quý báu đó sẽ là tiền đề để HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Nhân dịp này, thay mặt cho HĐND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ và các cơ quan, đơn vị có liên quan; cảm ơn và tri ân sâu sắc những đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các cơ quan của HĐND, các vị Đại biểu HĐND tỉnh qua các nhiệm kỳ, các ngành, các cấp, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà nói chung và sự trưởng thành, phát triển của HĐND tỉnh nói riêng.      

Kính thưa Quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!

Nhiệm vụ đặt ra cho HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là rất lớn, trọng tâm là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu với tinh thần nỗ lực vượt bậc; trong đó HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và cá nhân mỗi đại biểu HĐND tỉnh khóa XV cần phải năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tập trung thời gian, nguồn lực để tiếp tục khẩn trương thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, tạo ra cơ chế, chính sách, môi trường thuận lợi hơn nữa, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong thời gian tới HĐND tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh uỷ đối với tổ chức và hoạt động của HĐND. Đảng đoàn HĐND tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo quán triệt, tổ chức thực hiện tốt những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn HĐND với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo đúng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Thực hiện tốt chủ trương hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Cải tiến, nâng cao chất lượng các kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Tổ chức thực hiện giám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của UBTVQH về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

3. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với lãnh đạo UBND, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp của HĐND bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với UBND và các cơ quan có liên quan chuẩn bị “từ sớm, từ xa” nội dung, chương trình kỳ họp, không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo phương châm của UBTVQH.

4. Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, ngành; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, HĐND tỉnh kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; sự quan tâm góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo các cơ quan HĐND tỉnh qua các thời kỳ, cùng với sự ủng hộ, tín nhiệm, tham gia ý kiến của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các vị Đại biểu HĐND tỉnh qua các thời kỳ và toàn thể Quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

 Xin trân trọng cảm ơn./.

BBT

 


Tin liên quan
ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Tự lực, tự cường, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững
Đề nghị bổ sung quy định về ngân hàng số
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Giải cầu lông chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh Điện Biên (09/6/1963 – 09/6/2023) thành công tốt đẹp
Khai mạc Giải cầu lông chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày bầu cử HĐND tỉnh Điện Biên (09/6/1963 – 09/6/2023)
Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí
ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Sẽ giải quyết, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc mua sắm vắc xin và giải ngân vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia