Khoản 1, Điều 35 Dự thảo Luật quy định Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Tuy nhiên, đối với địa phương chưa có quy định cơ quan thường trực của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp địa phương là cơ quan nào.
Mặc dù khoản 4, Điều 35 Dự thảo Luật có nêu Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp bộ; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng theo thông lệ, ở Trung ương cơ quan nào là cơ quan thường trực thì ở địa phương cơ quan ngành dọc của cơ quan đó là cơ quan thường trực để đảm bảo tính thống nhất, thông suốt. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nội dung này trong Dự thảo Luật.
Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách
Về Quỹ phòng thủ dân sự, Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án: Phương án 1, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự; Phương án 2, trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, khi tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Điện Biên, đa số ý kiến tham gia đề nghị lựa chọn Phương án 2 vì hiện nay thì chúng ta có rất nhiều quỹ và một số quỹ hoạt động không hiệu quả, không huy động được nguồn.
Nếu chọn theo phương án 1 thì không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí (bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng) để thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác phòng thủ dân sự. Như vậy nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo trình sẽ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước
Mặt khác, theo Phương án 1, Quỹ phòng thủ dân sự sẽ được điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Quy định này cũng không phù hợp với yêu cầu về khả năng tài chính độc lập của việc thành lập quỹ và không phù hợp với quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác. Bên cạnh đó, nội dung chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trùng với nội dung chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai, trong khi quan điểm hiện nay vẫn tiếp tục duy trì Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường và các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác.
Đại biểu đề nghị cần tiếp cận theo hướng củng cố các quỹ hiện có về các lĩnh vực, khi có sự cố, thảm họa có thể huy động để sử dụng theo các luật chuyên ngành.
Về kỹ thuật văn bản, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cùng phối hợp để rà soát lại các khoản trong Dự thảo Luật quy định về giải thích từ ngữ như khoản 1 Điều 6 về cấp độ phòng thủ dân sự, khoản 1 Điều 12 về công trình phòng thủ dân sự, khoản 1 Điều 13 về trang bị phòng thủ dân sự ... để đưa về Điều 2 nhằm đảm bảo tính hệ thống, dễ theo dõi./.
Tin, ảnh: Mai Hồng