Nghiên cứu - Trao đổi  

CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Cập nhật ngày 22/02/2023 08:24:44 AM - Lượt xem: 256

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 của HĐND tỉnh khóa XIV và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UBND, ngày 29/12/2016 về Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh và xác định các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định.


Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh giám sát chuyên đề "Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025"

Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021

Kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020: Tổng số trường học mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh là 335/473 trường, đạt tỷ lệ 70,8%. (vượt 10,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; vượt 7,2% so với kế hoạch UBND tỉnh đề ra). Trong đó: 108/170 trường mầm non đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 63,5%; 110/148 trường Tiểu học đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 74,3%; 96/122 trường THCS đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 78,7%; 21/33 trường THPT đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 63,6%.

Năm 2021: Tổng số trường học mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc
gia trong toàn tỉnh là 342/464 trường, đạt tỷ lệ 73,7% (thấp hơn 0,2% so với kế
hoạch UBND tỉnh giao do tăng thêm 01 trường). Trong đó: 117/170 trường mầm non đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 68,8%; 106/139 trường Tiểu học đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 76,3%; 98/121 trường THCS đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 81,0%; 21/33 trường THPT đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 63,6%.

Các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021 được tích cực triển khai, thực hiện

Công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên: Công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đã từng bước đáp ứng yêu cầu về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu trách nhiệm với nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo chiếm tỷ lệ 79,9%. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý, công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên được thực hiện đảm bảo theo các quy định. Các chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên được ngành giáo dục và đào
tạo quan tâm; đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số Đề án, kế hoạch và
chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội
ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Công tác nâng cao chất lượng giáo dục: Các trường học đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; thực hiện hiệu quả đề án tăng cường Tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các chuyên đề chuyên môn về ngoại ngữ, tin học; tăng cường tổ chức bán trú cho học sinh, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng phong phú, qua đó giáo dục đạo đức và các kỹ năng sống cho học sinh; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học được chú trọng. Công tác y tế trường học được quan tâm.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 277 dự án được đầu tư xây dựng trường học với diện tích, khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập, tường rào, cây xanh cơ bản các trường học đảm bảo tiêu chuẩn, có môi trường cảnh quan sư phạm, xanh - sạch - đẹp - an toàn. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia được trang bị máy tính kết nối mạng Internet để phục vụ việc quản lý, tra cứu tài liệu cho giáo viên, học sinh. Phần lớn các trường đạt chuẩn quốc gia có phòng, nhà thư viện với nhiều đầu sách tham khảo; một số trường triển khai mô hình thư viện thân thiện, khu vui chơi vận động, khu trải nghiệm sáng tạo, nhà đa năng đã đáp ứng yêu cầu về phát triển các phẩm chất năng lực cho học sinh. Một số trường học đã trang cấp, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 như máy chiếu, ti vi...

Công tác quy hoạch sử dụng đất của các đơn vị trường học đã được các
các huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Hiện tại, toàn ngành có 345/464 trường học được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 71,1%.

Công tác xã hội hóa giáo dục: Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các kênh thông tin, qua đó nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về chủ trương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân đối với các hoạt động giáo dục của nhà trường. Chủ động, linh hoạt kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ, huy động sự đóng góp của toàn xã hội nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cộng đồng cho công tác xã hội hóa giáo dục. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư, ưu tiên đầu tư cho việc mở rộng quỹ đất, kiên cố hóa phòng học, phòng nội trú và công vụ. Công tác phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh được các trường học quan tâm thực hiện; Ban đại diện cha mẹ học sinh các cấp luôn đồng hành, phối hợp, hỗ trợ cho nhà trường trong công tác xây dựng cảnh quan, cơ sở vật chất của nhà trường.

Công tác thẩm định, thẩm định lại và đề nghị công nhận trường chuẩn
quốc gia; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát:
Công tác thẩm định và thẩm định lại để đề nghị công nhận trường chuẩn quốc gia đối với trường học được tổ chức cơ bản đúng quy trình, đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Một số trường học chuẩn bị hết thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia được các ngành chức năng hướng dẫn kịp thời xây dựng hồ sơ công nhận lại để thẩm định cấp bằng công nhận theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục được quan tâm lồng ghép, tích hợp trong các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hàng năm của ngành và các địa phương.

Một số hạn chế trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng và tầm quan trọng của công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở một số đơn vị cơ sở chưa được quan tâm, chưa huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa đồng đều giữa các cấp học nhất là cấp học Mầm non, THPT và giữa các địa bàn các huyện; một số huyện có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa cao như: Mường Nhé (40,5%), Tủa Chùa (48,78%), Điện Biên Đông (51,7%)... Toàn tỉnh hiện còn 122 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 15 trường học quá hạn chưa công nhận lại chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ II chưa nhiều; một số trường học đã được công nhận chuẩn quốc gia nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, hư hỏng và xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng, nhà đa năng, công trình vệ sinh giáo viên và học sinh, nhà xe, sân chơi, bãi tập vừa thiếu, vừa chưa đảm bảo quy định về diện tích, quy cách; một số trường học đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn: số lượng trẻ, học sinh trên lớp vượt so với quy định; tỷ lệ học sinh ra lớp chuyên cần tại một số thời điểm đạt thấp; Tỷ lệ giáo viên lớp đối với cấp học chưa đảm bảo theo quy định của Điều lệ trường học và nhu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; Việc tuyển dụng giáo viên ở một số huyện còn chậm, công tác điều chuyển giáo viên hằng năm chưa kịp thời; tình trạng thừa, thiếu cục bộ, mất cân đối về đội ngũ nhà giáo vẫn tồn tại, thiếu giáo viên đối với cấp mầm non và giáo viên một số bộ môn; vẫn còn tình trạng bố trí giáo viên dạy chéo môn. Tình trạng giáo viên bỏ việc, thôi việc có xu hướng tăng. Một số trường học đạt chuẩn quốc gia vẫn còn tỉ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Hầu hết các trường học chưa có nhân viên chuyên trách về quản lý thiết bị, đồ dùng dạy học (chủ yếu làm kiêm nhiệm) và nhân viên y tế trường học;  công tác quy hoạch đất đai, diện tích, khuôn viên, sân chơi bãi tập nhiều trường học chưa được quan tâm đúng mức nên đầu tư xây dựng manh mún, chưa có tính bền vững và kế thừa, ảnh hưởng chất lượng công trình và cảnh quan môi trường theo quy chuẩn. Tỷ lệ các trường học được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong giai đoạn đạt thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế đó là:

Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho các nhà trường; sự gia tăng dân số tự nhiên, tăng đột biến ở một số năm và sự tăng dân số cơ học ở một số xã, phường, thị trấn dẫn đến số trẻ ra lớp mầm non, số học sinh tuyển sinh đầu cấp tăng, trong khi cơ sở vật chất trường, lớp, đội ngũ giáo viên không đáp ứng kịp nhu cầu; các tiêu chuẩn, tiêu chí về công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia có nhiều thay đổi so với quy định trước.

Một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chưa quan tâm nhiều
đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; chưa chủ động huy động và bố trí nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thu hút nguồn lực xã hội hóa...;

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh với UBND cấp huyện trong xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia chưa chặt chẽ; việc quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp học đảm bảo đạt chuẩn quốc gia tại đa số các địa phương trong tỉnh còn hạn chế; công tác hướng dẫn các đơn vị trường học hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được quan tâm; công tác tuyển dụng giáo viên tại một số đơn vị cấp huyện chưa kịp thời, chưa có các giải pháp thiết thực và hiệu quả để tuyển dụng số giáo viên thiếu so với quy định; chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, khuyến khích, động viên giáo viên tâm huyết với nghề. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hàng năm chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục; công tác đôn đốc kiểm tra, việc tự đánh giá, tổ chức việc đánh giá ngoài; kiểm tra, giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia chưa được thường xuyên; một số đơn vị trường học chưa chủ động duy trì và phát huy kết quả sau khi được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia; chưa tích cực trong việc tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục. Một bộ phận cán bộ quản lý trường học thiếu kinh nghiệm quản lý, còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại, chưa thực sự tích cực trong việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và duy trì các tiêu chí đạt chuẩn. Một số giáo viên chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, chậm thay đổi phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới.

Một số giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới

Bố trí kinh phí xây dựng phòng học, phòng học bộ môn đảm bảo theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và lộ trình kinh phí đã được phê duyệt tại Kế hoạch số 830/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030; các sở ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao về xây dựng trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát và hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định. Các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố có kế hoạch khắc phục các hạn chế và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia./.

Ngọc Quyên 

 


Tin liên quan
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị
7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
HỌC TẬP PHONG CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tích cực, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 03 KỲ HỌP TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 11 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Một số kết quả từ hoạt động giám sát chuyên đề: “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”