Nghiên cứu - Trao đổi  

HỌC TẬP PHONG CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cập nhật ngày 24/12/2022 09:44:00 AM - Lượt xem: 256

Tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Theo Người, trước khi viết phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết làm gì? Viết cái gì? Cách viết thế nào? (1)


Cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân thật để cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác. Đây là yêu cầu đầu tiên mà Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi viết: “… phải đúng sự thật. Không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”,  “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. (2)

Bác dạy cần phải tránh lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải". Ngắn gọn trong cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Người, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa đựng một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Một đặc điểm nổi bật trong cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Tính dễ hiểu theo quan điểm của Người là phải viết cho đúng trình độ của người xem. Để viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, Bác đã chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Tất nhiên, Người không tuyệt đối hóa việc mượn dùng chữ nước ngoài mà đối với những chữ đã quen thuộc, đã “hoá thành chữ ta” mà không dùng thì không đúng. Bác nêu ví dụ: Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được. (3)

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Về sử dụng từ ngữ: với kinh nghiệm và vốn từ ngữ phong phú của mình, nên trong quá trình viết, Người luôn lựa chọn kỹ càng từ ngữ thích hợp để diễn đạt rõ nghĩa nhất. Về nghệ thuật đặt câu: Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng những câu đơn, câu ngắn, những câu mang tính hội thoại để phù hợp với đặc điểm tư duy của người Việt Nam và tạo nên giao cảm dễ dàng với người nghe. Đặc biệt, Người thường sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong cách viết với từng văn cảnh và tình huống giao tiếp cụ thể, nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục rất cao. Ví dụ: Người viết: “Sợ phê bình, tức là quan liêu hóa, tức là tự mãn, tự túc, tức là mèo khen mèo dài đuôi”. (4)

Về lập luận trong cách viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lập luận là chiến lược hội thoại nhằm thuyết phục người nghe bằng lý lẽ. Bởi vậy, trong cách viết của Người luôn chặt chẽ, logic, khoa học, cụ thể. Ví dụ: Khi bàn đến vấn đề “Dân chủ và chuyên chính”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập luận rằng: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có khóa. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt để phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa đề phòng kẻ phá hoại. Nếu hòm không có khóa, phòng không có cửa thì sẽ bị mất cắp hết. Cho nên có cửa thì phải có khóa, có nhà thì phải có cửa. Thế thì dân chủ thì cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”.(5) Lập luận này của Người không những đúng đắn mà còn có sức thuyết phục cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà lãnh tụ vĩ đạo của dân tộc, mà còn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa thế giới; phong cách viết của Người là tấm gương mẫu mực để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo./.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu lịch sử.

 


(1) Báo chí Hồ Chí Minh, Chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị Quốc gia, H-2017.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H-2009, tập 5, tr 302.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr 412- 413.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 261.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr 230.

Bài: Phạm Minh Thủy 

 

 


Tin liên quan
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tích cực, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 03 KỲ HỌP TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 11 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Một số kết quả từ hoạt động giám sát chuyên đề: “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”
Một số kết quả nổi bật trong giám sát “Việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương cấp huyện quản lý”
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên
TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH GIÁM SÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG CHÀ