Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; qua báo cáo trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19 Trung tâm đã bám sát các văn bản chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ, Y, Bác sỹ, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có của Trung tâm cơ bản đáp ứng ứng được yêu cầu cho công tác phòng chống dịch. Trong các đợt dịch cao điểm, đơn vị đã tăng cường cho các tuyến huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh hơn 130 lượt cán bộ, Y, Bác sỹ tham gia chống dịch như tại thành phố Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát mạnh, thành Phố Điện Biên Phủ, các huyện Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần giáo hỗ trợ công tác phòng chống dịch, xét nghiệm...Các cán bộ tăng cường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đánh giá cao về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác chống dịch. Tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 là 337.645,75 triệu đồng; trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 56.993,58 triệu đồng; hiện vật quy đổi tương đương tiền 280.652,17 triệu đồng. Tổng số kinh phí đã được sử dụng là 335.312,06 triệu đồng. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực, phân bổ, thanh quyết toán các nguồn kinh phí cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác tiêm chủng phòng COVID 19 trên địa bàn toàn tỉnh triển khai đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ, kế hoạch và an toàn tiên chủng. Các hoạt động phòng, chống các bệnh khác như: Phong, sốt rét, sốt xuất huyết, tăng huyết áp, HIV/AIDS... được trung tâm quan tâm chỉ đạo đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, còn có một số tồn tại, hạn chế do các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đồng chí Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
với UBND thành phố Điện Biên Phủ
Giám sát tại UBND thành phố Điện Biên Phủ, trước tình hình diễn biến của đại dịch, thành phố đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Qua 04 đợt bùng phát tính đến ngày 15/11/2022 thành phố đã ghi nhận 27.937 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 09 trường hợp tử vong; đã hoàn thành điều trị và tự cách ly có kết quả âm tính là 27.923 trường hợp; tự cách ly, theo dõi tại nhà còn lại 05 trường hợp); thành lập 22 điểm cách ly y tế tập trung, 01 khu điều trị người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng và 07 trạm y tế lưu động. Công tác tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Chỉ đạo triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và tiến độ. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch là 47.427 triệu đồng, tổng số thu nguồn ủng hộ, đóng góp là 2.086 triệu đồng. UBND thành phố đã thực hiện sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng UBND thành phố đã có nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể: Thường xuyên cử cán bộ đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực để đảm bảo công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã, phường, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện, nhân lực làm công tác y tế dự phòng: 02 bác sĩ đa khoa và 08 y sĩ đa khoa, định mức chi thường xuyên cho hoạt động y tế dự phòng hàng năm đáp ứng cơ bản đủ cho hoạt động chi thường xuyên thiết yếu cho công tác dự phòng trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch còn lúng túng trong công tác tổ chức, chỉ đạo chống dịch, công tác giám sát dịch tại một số địa bàn chưa kịp thời và sâu sát.
Tại các buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và UBND thành phố Điện Biên Phủ giải trình, làm rõ một số nội dung như: Bổ sung một số nội dung theo yêu cầu của chuyên đề giám sát, công tác phối hợp của các lực lượng tham gia chống dịch, việc thực hiện chế độ đối với lực lượng này; công tác an sinh xã hội; chính sách tài khóa tiền tệ trong phòng, chống dịch Covid -19; phân bổ nguồn kinh phí cho công tác y tế dự phòng; chế độ, chính sách đối với y tế dự phòng; hệ thống y tế cơ sở, mô hình tổ chức bộ máy như hiện nay của Trung tâm y tế và các Trạm y tế xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ y tế dự phòng các tuyến huyện, xã so vơi yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng đối với công tác phòng, chống dịch...
Phát biểu kết luận, đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát và bổ sung, cung cấp thông tin theo yêu cầu, gửi về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ./.
Tin, ảnh: Trịnh Hà