Đại biểu Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật.
Tham gia ý kiến cụ thể, Thượng Tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng thực tế sau gần 10 năm thi hành Luật đất đai 2013, các địa phương cũng tiến hành cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo và cơ sở tôn giáo, Luật sửa đổi lần này vẫn tiếp tục quy định đất đai tôn giáo là đất phi nông nghiệp, được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tuy nhiên, do quy định chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập nên việc cấp quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo thực hiện được rất ít. Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định các tổ chức tôn giáo và tổ chức trực thuộc mới có tư cách pháp nhân phi thương mại, cơ sở tôn giáo thì không có tư cách pháp nhân phi thương mại, dẫn đến vấn đề đặt ra là giao đất cho chủ thể nào. Cho nên cần phải quy định thống nhất giữa Luật tín ngưỡng, Tôn giáo và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này để có thể giải quyết những vướng mắc trong vấn đề cấp quyền sử dụng đất.
Thượng Toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào dự thảo Luật.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên có ý kiến tham gia đối với đất sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 85, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét lại đối với các trường hợp thu hồi đất làm công trình văn hoá, thể thao, nhà an dưỡng, nhà công vụ, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân. Đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đó là đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Trong đó, đề nghị cân nhắc các trường hợp “làm công trình văn hóa, thể thao” (khoản 5 Điều 85), “làm nhà an dưỡng” (khoản 8 Điều 85), “làm nhà khách” (khoản 9 Điều 85). So với Luật Đất đai năm 2013, trường hợp thu hồi đất để làm nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân là trường hợp mới bổ sung. Nếu thu hồi đất để sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí.
Tổ thảo luận số 17 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV gồm các đoàn: Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định, Bến Tre..
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo Luật quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo đại biểu Lò Thị Luyến, quy định này không mới so với các quy định trước đây của Luật đất đai năm 2013. Để quy định không mang tính khẩu hiệu, đề nghị phải cụ thể hoá các điều kiện sống này chính là hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, điện và đất sản xuất đối với khu vực nông thôn. Thực tế đó là dự án tái định cư thủy điện Sơn La, cho đến thời điểm này còn nhiều địa phương trong đó có tỉnh Điện Biên cũng chưa khắc phục hết, chưa tạo điều kiện được hết cho người dân về mặt sinh kế và các điều kiện khác...cho người dân vùng tái định cư.
Ngoài những nội dung nêu trên, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên còn có ý kiến tham gia về các nội dung như: quy hoạch, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý, sử dụng đất đai, nông, lâm trường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn vướng mắc do một quy định chưa thống nhất; về thị trường bất động sản..../.
Tin, ảnh: Đỗ Dung