Tin tức & sự kiện  

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo

Cập nhật ngày 28/10/2022 17:15:30 PM - Lượt xem: 256

Sáng 28/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023.


Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28.10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết: Chức sắc, tín đồ tôn giáo rất phấn khởi và tin tưởng sâu sắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đất nước. Quốc hội đã sáng tạo, chủ động và luôn đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kiểm soát tốt dịch Covid-19. Chính phủ đã rất kịp thời đưa ra các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch nhanh, đạt kết quả cao mà báo cáo tổng kết đã chỉ ra 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đời sống của Nhân dân ổn định và từng bước nâng lên, người nghèo, người yếu thế được quan tâm kịp thời, quyết tâm không ai bị bỏ lại phía sau. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ trong chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, kết hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế thế giới. Sự quyết tâm xử lý nghiêm, làm lành mạnh, minh bạch, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán trong thời gian vừa qua đã đem lại niềm tin rất lớn cho môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp trong lòng dân tộc. Mỗi tôn giáo dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật có khác nhau, nhưng cùng có chung tinh thần dân tộc, làm nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc và không chỉ là thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Tại kỳ họp này, Quốc hội và Chính phủ đang triển khai, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng có nhiều nội dung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Cử tri đồng bào các tôn giáo đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có những quy định cụ thể về đất đai tôn giáo nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có sự tiếp nối với hiện đại đảm bảo phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội.

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phát huy nguồn lực tôn giáo còn được thể hiện trong các hoạt động quốc tế rất đa dạng, phong phú của các tổ chức tôn giáo. Nhiều đoàn các chức sắc tôn giáo ra nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại Liên tôn giáo Á – Âu (ASEM), Đối thoại Liên tôn giáo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APIN), các hoạt động văn hóa hòa bình của Liên hợp quốc UN Vesak… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, và năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 05 vị nguyên thủ là Tổng thống, Thủ tướng các quốc gia tham dự.

Quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, các chức sắc các tôn giáo nói chung đã góp phần giúp bạn bè quốc tế  hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, tôn giáo Việt Nam, về chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng chính là những phản bác mạnh mẽ nhất trước những báo cáo sai sự thật, xuyên tạc về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Chậm giải ngân vốn chi đầu tư phát triển là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng
Hội nghị lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ
Tuổi trẻ Điện Biên sáng tạo, khởi nghiệp tham gia xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển
Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước bằng việc đấu giá biển số xe ô tô
Hội thảo quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát việc chia tách, thành lập phố, bản trên địa bàn phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ
Đề nghị Bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải
Huyện Mường Nhé tổ chức thành công kỷ niệm 20 năm, Ngày thành lập huyện (20/10/2002 – 20/10/2022)