Chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh
Điện Biên có tiềm năng phong phú, đa dạng để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và tiềm năng văn hóa phi vật thể với 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, hiện nay vẫn còn giữ được các phong tục, tập quán vốn có, điển hình là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào... Bên cạnh đó, với cảnh quan thiên nhiên phong phú như: Cánh đồng Mường Thanh; Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (huyện Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo), Khó Chua La (Tủa Chùa); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; hồ Pá Khoang, Pe Luông; cao nguyên đá Tủa Chùa; vẻ đẹp sông nước Mường Lay...là thế mạnh để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2016-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch là Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 03-NQ/TU năm 2016 xác định mục tiêu, phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với ba trụ cột chính là: du lịch lịch sử; du lịch văn hoá; du lịch sinh thái. Nghị quyết 03-NQ/TU năm 2021 với quan điểm, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế với ba trụ cột chính là: du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hoá dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Như vậy, có thể thấy ở cả hai giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, du lịch bản sắc văn hoá và du lịch sinh thái đều được xác định là một trong những trụ cột chính phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.
Để cụ thể hóa trụ cột về du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên thì việc phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp hiệu quả nhất. Loại hình du lịch này đã được đề cập trong cả hai nghị quyết của Tỉnh ủy nói trên. Đặc biệt, cụ thể hóa Nghị quyết 03-NQ/TU năm 2016, ngày 14/10/2016 Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết 31/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như: ban hành một số cơ chế khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng các bản văn hóa du lịch có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong việc tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, thưởng thức văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, mua sắm và trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại nhà dân; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, hộ gia đình, gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn, các thôn bản dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, trên tuyến biên giới; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, biên giới…
Chưa có bản văn hóa làm du lịch cộng đồng được công nhận là điểm du lịch
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Điện Biên thời gian qua chưa hiệu quả, chưa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao trong khu vực. Hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu là tự phát, phục vụ đơn thuần dịch vụ ẩm thực địa phương, văn nghệ quần chúng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 11 bản văn hóa, so với năm 2016, số lượng bản văn hóa chỉ tăng 01 bản và chưa có bản văn hóa làm du lịch cộng đồng được công nhận là điểm du lịch.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 400 sản phẩm làng nghề, gồm nhiều chủng loại như thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rượu Mông Pê… Nhưng thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng, chưa tạo thành các sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với địa bàn.
Ảnh: Lễ Bun huột nặm (Tết té nước), Tết cổ truyền của dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam,
huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Điện Biên với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc như: thiết chế bản mường của người Thái, thiết chế dòng họ của người Mông...; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc... là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đa số các điểm kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn đều dựa trên nét văn hóa, ẩm thực của người dân tộc Thái là chủ yếu và chỉ phục vụ khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà dân, chưa có nhiều sản phẩm khai thác văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc mang dấu ấn riêng, chưa chú trọng sự phô diễn đậm nét, đa dạng về văn hóa bản địa và các hoạt động trải nghiệm khác.
Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chia sẻ, việc giới thiệu về truyền thống, bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Du khách đến thăm các bản văn hoá mới chỉ được thưởng thức các món ăn dân tộc và văn nghệ quần chúng, ngoài ra hầu như không có thêm hoạt động gì khác. “Mỗi ngọn đồi, con suối, địa danh hay phong tục, tập quán của mỗi dân tộc trên địa bàn đều có các câu chuyện văn hoá của nó. Có những câu chuyện là truyện có thật trong lịch sử, có những câu chuyện là truyền thuyết. Đây chính là hồn cốt văn hoá các dân tộc trên địa bàn, cần phải được quan tâm tìm hiểu, và quảng bá tới du khách”, đại biểu Lò Thị Luyến nhấn mạnh.
Nguyên nhân khiến cho du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng trước hết phải kể đến đó là, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, xa các trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch lớn, giao thông đi lại khó khăn. Nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển du lịch còn hạn chế, mặc dù trên địa bàn có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa chủ động tìm giải pháp để khai thác một cách có hiệu quả. Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Tư duy của các hộ làm du lịch cộng đồng chủ yếu theo lối mòn, mang tính thời vụ, ngại đổi mới. Nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn nhiều khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng…
Theo đồng chí Vùi Văn Nguyện, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Tủa Chùa, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thì Tủa Chùa là một địa danh có thể phát triển du lịch tốt, địa phương rất muốn hỗ trợ người dân để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên hiện nay không có cơ sở để hỗ trợ do chưa có văn bản hướng dẫn.
Cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cồng đồng
Du lịch cộng đồng là giải pháp tốt nhất để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên. Do vậy, cần thiết phải có các giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người dân về tầm quan trọng, tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng; quan tâm tới việc quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cồng đồng như: hỗ trợ việc thí điểm xây dựng, triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại một số bản, làng còn giữ được nét văn hóa về phong tục tập quán, nhà ở, ẩm thực, nếp sinh hoạt, canh tác… theo hướng cầm tay, chỉ việc. Nghĩa là nhà nước sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình, tổ chức thí điểm tại cộng đồng, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Hỗ trợ việc khôi phục và phát triển các làng nghề, các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch; Tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo tính kết nối, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và giao thông đến các khu, điểm du lịch; Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng và điểm du lịch; Chú trọng gắn phát triển du lịch cộng đồng với du lịch kết hợp nông nghiệp, khai thác, phát huy tối ưu văn hóa bản địa, làm mới sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng của du lịch Điện Biên...
Giải trình các ý kiến phát biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại kỳ họp thứ Tám, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nội dung được đưa vào Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên. Việc phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tới đây Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể./.
Mai Hồng