Ảnh: Đồng chí Lò Văn Phương - UVBTVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh
Qua giám sát cho thấy, sau 06 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu đã hình thành, xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt gần 3 triệu lượt, tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015, tổng doanh thu du lịch đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015; giải quyết việc làm cho 14.000 lao động,... có 11 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp và phục vụ khách, 06 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có những thay đổi, chuyển biến theo hướng tích cực; một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm,....
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu Nghị quyết đưa ra chưa đạt, số lượng khách đến Điện Biên đã có sự gia tăng quan từng năm nhưng chưa ổn định, thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch còn hạn chế, tỷ trọng đóng góp từ du lịch cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách địa phương chưa có nhiều chuyển biến đột phá,...Nguyên nhân là do nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận cán bộ, nhân dân về phát triển du lịch chưa đầy đủ; chưa thực sự coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội. Một số địa phương trong tỉnh có tiềm năng về du lịch nhưng chưa chủ động tìm biện pháp phát triển du lịch một cách có hiệu quả; công tác tuyên truyền, quảng bá tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa tập trung nhiều vào quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, chưa làm nổi bật được giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương. Hoạt động du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên, mang tính thời vụ. Việc đầu tư thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch còn hạn chế; ngân sách đầu tư cho du lịch hạn chế, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho công tác quy hoạch; chưa xây dựng được cơ chế và giải pháp đột phá để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nguồn vốn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển du lịch.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát thảo luận tập trung vào những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 31/NQ-HĐND, như: Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh có thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả; 02 địa phương chưa ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch; bất cập trong việc xét duyệt làng nghề, mỗi năm 1 lần là chưa phù hợp; công tác phối hợp trong việc thực hiện triển khai các Đề án còn lúng túng, triển khai chậm; chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo mang tính cạnh tranh; chất lượng, số lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch,...
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Phương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt Luật du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan; tổ chức rà soát các nội dung của Nghị quyết về chương trình phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tham mưu, trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị quyết của Tỉnh ủy, đặc thù và điều kiện của tỉnh; triển khai tích hợp các quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ… Có giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế; chỉ đạo các sở, ngành tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của sở, ngành giao; tham mưu cho tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của các địa phương; nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch. Tập trung kêu gọi đầu tư các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn 4 đến 5 sao, nhà hàng, hệ thống mua sắm…
Ngọc Quyên