Như chúng ta đã biết, đầu mỗi nhiệm kỳ, Bộ Nội vụ, cơ quan được Chính phủ giao tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, đồng thời chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Số lượng đại biểu mới tham gia lần đầu chiếm từ 60 đến 70%, do đó việc tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu là rất cần thiết ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ, giúp cho đại biểu, nhất là đại biểu mới tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng hoạt động của cơ quan dân cử. Trong phạm vi bài viết này, tập trung những nội dung cơ bản cần tập huấn cho đại biểu HĐND các cấp.
Thứ nhất, là phải bồi dưỡng cho đại biểu những kiến thức chung về Hệ thống chính trị ở nước ta, vị trí của Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị; quyền hạn, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định hệ thống chính trị Việt Nam do duy nhất một Đảng Cộng sản lãnh đạo, không tồn tại các đảng chính trị đối lập, được xây dựng trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị đều do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, rèn luyện; là một hệ thống mang tính thống nhất và tập trung quyền lực. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất, không phân chia, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân có chức năng cơ bản là quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Nhiệm vụ của đại biểu HĐND là tham gia các kỳ họp HĐND; hoạt động giám sát; tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư của công dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.
Thứ hai, là bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu tại kỳ họp HĐND. Hội đồng nhân dân họp thường lệ mỗi năm hai kỳ và các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất (nếu có). Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp, chấp hành nghiêm Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận, chất vấn, biểu quyết và các hoạt động khác của Hội đồng nhân dân.
Để kỳ họp HĐND có chất lượng người đại biểu đóng vai trò quyết định. Những nội dung của kỳ họp phải được các đại biểu tham gia thảo luận sâu và kỹ, thảo luận là hoạt động quan trọng tại kỳ họp. Thảo luận tại kỳ họp HĐND cũng là hình thức giám sát của đại biểu. Trong kỳ họp có nhiều nội dung, đại biểu nên chọn vấn đề mình am hiểu, thuộc lĩnh vực chuyên môn mình quản lý, vấn đề đông đảo cử tri quan tâm có tác động nhiều đến KTXH, vấn đề thời sự, quan trọng, đang "nóng" còn có ý kiến khác nhau.
Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt của HĐND và đại biểu HĐND tại kỳ họp, là một hình thức giám sát mang lại hiệu quả cao, nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND. Chất vấn là một trong những nội dung được cử tri rất quan tâm. Qua theo dõi, các kỳ họp HĐND từ tỉnh đến xã số lượng chất vấn không nhiều, thậm chí có kỳ họp không có câu hỏi chất vấn. Các đại biểu chưa sử dụng hết quyền của mình, còn sợ va chạm, nể nang, né tránh.
Nội dung thứ 3 cần bồi dưỡng là hoạt động giám sát. Giám sát là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của cơ quan dân cử. HĐND thay mặt cho nhân dân giám sát các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Qua giám sát giúp cho các cơ quan, tổ chức cá nhân phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, tháo gỡ những bất cập, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để làm tốt hoạt động này, Đại biểu HĐND phải nắm chắc quy trình giám sát, đối tượng giám sát, phương pháp, kỹ năng giám sát. Đây đều là những nội dung khó, đòi hỏi người đại biểu phải có kiến thức, có kỹ năng, có uy tín khi thực hiện nhiệm vụ giám sát. Giám sát tại kỳ họp là phải nghiên cứu báo cáo, tờ trình, đề án mà UBND trình để tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn, tranh luận làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm. Giám sát chuyên đề là theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về một nội dung nào đó trong một thời gian nhất định của các cơ quan, tổ chức.
Tập trung vào đánh giá, kết luận sau giám sát, nhất là các đề xuất, kiến nghị. Đánh giá kết quả làm được (bằng số liệu các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch), những sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền, người đứng đầu; những tồn tại, hạn chế, vướng mắc (chỉ tiêu đạt thấp). Từ đó kiến nghị đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, những giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Nội dung thứ 4 không kém phần quan trọng là tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn của công dân. Tiếp xúc cử tri là hình thức chủ yếu để giữ mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; vừa là trách nhiệm vừa là phương thức hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, là để thực hiện chức năng đại diện cho cử tri và nhân dân địa phương thực hiện quyền lực nhà nước. Tiếp xúc cử tri là việc đại biểu dân cử gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm mục đích thông tin hoạt động của cơ quan dân cử, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các cử tri, đồng thời thông báo kết quả giải quyết của cơ quan chức năng về những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn của công dân là nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND. Tiếp công dân cũng là một hình thức TXCT, tiếp công dân để đại biểu lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, đơn của cử tri, nghiên cứu chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hiện nay duy trì hai hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu là tiếp xúc trước và sau kỳ họp HĐND. Địa bàn tiếp xúc thường tập trung ở trụ sở xã, phường, thị trấn, còn ít cuộc tiếp xúc ở thôn, bản, khu phố, nhóm dân cư. Cử tri tham dự chủ yếu là “cử tri chuyên nghiệp”, “đại cử tri” (cán bộ lãnh đạo cấp xã, cán bộ thôn, bản, khu phố, cốt cán chính trị ở cơ sở, cán bộ hưu trí), người dân tham gia còn ít. Việc trả lời và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số đơn vị còn chậm, kết quả giải quyết chưa đáp ứng được sự mong đợi của cử tri, thậm trí còn sai quy định của pháp luật.
Bốn nội dung chủ yếu trên cần được tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp, nhất là đại biểu mới tham gia lần đầu thực hiện càng sớm càng tốt, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Hội đồng nhân dân các cấp./.
Nhữ Văn Quảng
Nguyên Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh Điện Biên