Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc với dân số trên 62 vạn người gồm 19 dân tộc anh em cùng chung sống (trong đó, dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Kinh 18,5%, còn lại là các dân tộc khác). Những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, khuyến khích tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương.
Theo ông Lò Xuân Nam - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, năm 2021, tỉnh Điện Biên có 1.241 người được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó, nam 1.207 người; nữ 34 người). Việc phát hiện, bồi dưỡng, củng cố, phát huy vai trò của người có uy tín tại các địa phương bao gồm những người tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong kinh doanh và xóa đói giảm nghèo, trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện qua các phong tục, tập quán, trong bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ biên giới.
Người có uy tín đã tham gia vận động quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, không mơ hồ, chủ quan; nâng cao tinh thần cảnh giác, vận động nhân dân thực hiện tốt các cam kết không tái trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, sử dụng, buôn bán các chất ma túy, không di dịch cư tự do. Phối hợp với tổ an ninh vận động người dân ký cam kết phòng chống tội phạm, ma túy. Toàn tỉnh có 1.658 khu dân cư triển khai phòng chống tội phạm với 182 hòm thư tố giác tội phạm, nhân dân cung cấp trên 2.000 tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Tình trạng di, dịch cư tự do giảm dần hàng năm; nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công tại cơ sở. Cùng với đó, người có uy tín đã phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”; “Quần chúng tham gia tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”, thực hiện đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”. Từng bước nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy; đưa người vượt biên trái phép. Điển hình như các ông: Lò Văn Thi, dân tộc Lào, bản Lói - xã Mường Lói; Ly Cháy Mua, dân tộc Mông - bản Hua Thanh - xã Na Ư huyện Điện Biên; Hù Chà Thái, dân tộc Si La - bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé...
Những đóng góp của người có uy tín trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc là rất đáng ghi nhận. Tiêu biểu như ông Cứ Chừ Tú, dân tộc Mông, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông; các ông Lỳ Hà Tư, Chảo Khò Tư dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu - Huyện Mường Nhé, đã có rất nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Quàng Văn Sơn, dân tộc Thái - bản Co Chạy 1 xã Mường Pồn với mô hình kinh tế VAC mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí; ông Giàng A Thẹ, dân tộc Mông - Trưởng dòng họ bản Noọng Luông 2, xã Mường Phăng với mô hình chăn nuôi đại gia súc kết hợp với thả cá mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng; ông Lường Văn Đôi, dân tộc Thái - bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, thu nhập mỗi năm 60 -70 triệu đồng…
Bên cạnh đó, người có uy tín luôn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc, tích cực phục dựng các lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như: Lễ hội Tết hoa của đồng bào dân tộc Cống các bản Púng Bon, bản Huổi Moi - xã Pa Thơm, huyện Điện Điện; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; lễ hội Té nước của cộng đồng dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Điện Biên; Lễ Nhảy Lửa của cộng đồng người Dao bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Tiêu biểu ở huyện Điện Biên có ông Quàng Văn Nó, bản Púng Bon, xã Pa Thơm; bà Lò Thị Phiêng, bản Hua Ná, xã Thanh Nưa; ông Lò Văn Pánh bản Noọng Luống, xã Noọng Luống...
Có thể nói, người có uy tín đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết ở khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xác định được vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, hàng năm, tỉnh luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập; cấp miễn phí một số tờ Báo phù hợp cho người có uy tín. Năm 2021, tỉnh đã cấp phát 50.881 tờ báo Điện Biên Phủ, 127.823 tờ báo Dân tộc và Phát triển cho 1.241 người có uy tín trên địa bàn. Thường xuyên thăm hỏi người có uy tín dịp Tết Nguyên Đán, tết các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, động viên người có uy tín khi ốm đau, gia đình người có uy tín khi gặp khó khăn và thăm viếng bản thân, gia đình người có uy tín qua đời; kịp thời biểu dương, khen thưởng người có uy tín… với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng (năm 2021).
Nhờ việc quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ các chính sách, người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tốt vị trí, vai trò trong công tác tuyên truyền vận động cộng đồng, thôn, bản, tổ dân phố chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn; vận động nhân dân tham gia vào xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở. Phát huy vai trò trong việc giữ gìn an ninh, trật tự xã hội củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở. Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp và kịp thời phát hiện, thông báo tới cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia. Vận động nhân dân tham gia xây dựng thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng hương ước, quy ước nhằm giữ gìn nếp sống văn minh, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa của các dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách người có uy tín trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp hạn chế, cụ thể như việc bình xét người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thuận lợi tại một số thôn, bản, tổ dân phố có hai dòng họ lớn, hoặc có hai thành phần theo đạo và không theo đạo. Trình độ người có uy tín còn thấp, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chủ yếu là theo kinh nghiệm…
Để phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm tốt chế độ chính sách đối người uy tín thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của người có uy tín trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Xác định rõ công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín là một nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ chiến lược gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành đoàn thể. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc. Thường xuyên cung cấp thông tin, bồi dưỡng kỹ năng vận động quần chúng cho người có uy tín. Tổ chức các hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, trong nước; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước cho người có uy tín, từ đó nâng cao giác ngộ chính trị, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để người có uy tín nâng cao nhận thức, vị thế, vai trò của mình trong bản, làng, dòng họ, cộng đồng dân cư, không để người có uy tín bị tác động bởi các luận điệu tuyên truyền xấu. Tiếp tục rà soát, lập danh sách và tiến hành vận động đối với những người có uy tín có khả năng, điều kiện tham gia xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, không phụ thuộc vào lứa tuổi, thành phần xuất thân và thái độ chính trị. Đồng thời, thường xuyên đánh giá, phân loại để phát hiện bổ sung người có uy tín mới để phục vụ công tác dân tộc, phát triển ở địa phương. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ người có uy tín, tạo điều kiện cho người có uy tín được tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh./.
Ngọc Quyên