Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thăm quan mô hình sản xuất sản phẩm OCOP tại HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1141/QĐ-UBND, ngày 30/11/2018 phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 211/QĐ-UBND, ngày 24/02/2021 phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; 10/10 huyện, thị xã, thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn. Các cấp, các ngành tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình.
Xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2018-2020, Điện Biên đã có 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (vượt 14 sản phẩm so với mục tiêu của Đề án), trong đó, 33 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; có 29 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó số lượng hợp tác xã, cơ sở sản xuất được củng cố, kiện toàn là 14 đơn vị, số lượng hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển mới là 15 đơn vị (mục tiêu của Đề án là củng cố và phát triển ít nhất 8 tổ chức kinh tế gắn với phát triển sản phẩm Chương trình OCOP).
Một số sản phẩm OCOP của Điện Biên đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng như: Gạo chất lượng cao của các HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và Công ty TNHH trà Phan Nhất; các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ; mật ong của HTX Ong mật Điện Biên; bánh khẩu xén của HTX Lay Nưa; bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son của HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông…
Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời cũng phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại thu nhập cao hơn cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Khó khăn trong việc ban hành chính sách
Tuy vậy, qua khảo sát cũng cho thấy, giai đoạn 2018-2020, việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn chủ yếu là xây dựng hồ sơ, đánh giá và phân hạng các sản phẩm đã hình thành, chưa có giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, thúc đẩy chế biến, ngành nghề truyền thống với lợi thế và tiềm năng của địa phương. Hầu hết sản phẩm OCOP của tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng công nghệ thủ công, truyền thống hoặc những công nghệ cũ, lạc hậu, chưa phát triển nâng cao về cả chất lượng cũng như mẫu mã, chưa tạo ra được các chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững. Chưa có sản phẩm thuộc nhóm “Du lịch cộng đồng và điểm du lịch” đạt tiêu chí OCOP (Đề án của tỉnh đặt mục tiêu phát triển 02 làng nghề gắn với du lịch). Có địa phương chưa có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.
Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa thường xuyên. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn, tỉnh chưa bố trí được ngân sách địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể còn hạn chế.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Điện Biên là tỉnh miền núi, khó khăn, ngân sách chủ yếu do Trung ương cấp, do đó, không cân đối được ngân sách để ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh, cũng như không bố trí được kinh phí để hỗ trợ trực tiếp Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, đây là chương trình mới, nhân lực tổ chức thực hiện chủ yếu là kiêm nhiệm, cán bộ quản lý, chủ thể tham gia Chương trình chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến lúng túng trong triển khai, thực hiện.
Các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia Chương trình trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu. Nhiều hợp tác xã gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được điều kiện tài sản thế chấp trong quan hệ tín dụng.
Việc vận động, hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể và người dân tại các địa phương chưa cụ thể, rõ ràng, nên các chủ thể hiểu nhầm Chương trình OCOP là chương trình hỗ trợ, dẫn đến tâm lý trông chờ vào chính sách của nhà nước, chưa chủ động tham gia Chương trình…
Chú trọng chính sách hỗ trợ tín dụng
Từ thực tế triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia Chu trình OCOP trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng đến chính sách hỗ tín dụng, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao và bền vững sau khi đã được chứng nhận. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình: Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 và các Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020, số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương thống nhất tổ chức thực hiện trong năm 2021.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Quyết định số 1048/QĐ-TTg) đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 phù hợp với giai đoạn 2021-2025. Trong đó quan tâm bổ sung nội dung chi “Hỗ trợ trang thiết bị máy móc, phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm tham gia Chương trình OCOP” nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể tích cực tham gia Chương trình.
Về phía địa phương, đề nghị HĐND-UBND tỉnh quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình như: Hỗ trợ phân tích chất lượng sản phẩm, xây dựng mã vạch, xây dựng trang web bán hàng...; hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; hỗ trợ hình thành các hợp tác xã tham gia vào chu trình OCOP...; quan tâm đầu tư xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Thông tin Du lịch Điện Biên Phủ (cạnh Di tích lịch sử Hầm Đờ Cát) để kết nối giữa sản phẩm OCOP và khách du lịch.
Trên cơ sở văn bản đã có, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên ban hành hướng dẫn cụ thể danh mục hỗ trợ sản phẩm OCOP, danh mục thanh toán đối với đơn vị tư vấn tham gia tư vấn xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP để các địa phương làm cơ sở thanh toán đảm bảo theo quy định của Nhà nước, đồng thời thường xuyên cử cán bộ, chuyên gia hướng dẫn giúp đỡ các huyện trong quá trình triển khai thực hiện chương trình./.
Mai Hồng